Học sinh không trúng tuyển lớp 10 công lập: Nhiều cơ hội lựa chọn trung cấp, cao đẳng nghề

Thí sinh lớp 9 trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập, trong đó sẽ có hàng trăm ngàn em không trúng tuyển. Dù rớt lớp 10 công lập nhưng các em vẫn còn các lựa chọn mô hình trường, lớp khác.

Vừa học văn hóa vừa học nghề

Năm học 2023-2024, thống kê cho thấy TPHCM và Hà Nội có trên 50.000 học sinh sẽ rớt lớp 10 công lập. Cụ thể, TPHCM là 19.000 em (nếu tính cả số học sinh tốt nghiệp THCS không nộp hồ sơ thi tuyển vào lớp 10 thì khoảng 33.000 em) và Hà Nội trên 30.000 em.

Nếu rớt lớp 10 công lập, các em có nhiều lựa chọn học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (GDTX-GDNN), trường ngoài công lập và các trường trung cấp, cao đẳng… Đặc biệt, các em có thể lựa chọn theo học hệ 9+ (vừa học văn hóa THPT (hệ GDTX) vừa học trung cấp nghề).

Nói về lợi thế của hệ 9+, Th.S Trần Minh Phụng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Củ Chi (TPHCM), cho hay, năm học này trường tuyển 470 học sinh trình độ trung cấp, và hiện đã tuyển được 50 học sinh sau tốt nghiệp lớp 9. Dự kiến đến cuối năm, trường sẽ tuyển đủ chỉ tiêu như kế hoạch. Bên cạnh đó, theo Th.S Trần Minh Phụng, khi vào học, ngoài được miễn học phí theo quy định của Nhà nước, các em còn được vay vốn với lãi suất thấp để học nghề; đồng thời học sinh xếp loại học tập, rèn luyện từ loại khá trở lên được xét cấp học bổng từng học kỳ.

Trong khi đó, theo Th.S Hoàng Đức Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành (TPHCM), học trung cấp ngay sau khi hết lớp 9, học sinh sẽ được đào tạo song song chương trình văn hóa THPT (hệ GDTX) và trung cấp nghề. Như vậy, sau 2,5 năm, các em sẽ nhận được giấy chứng nhận hoàn chỉnh chương trình văn hóa THPT và bằng trung cấp, có thể tham gia ngay thị trường lao động hoặc học tiếp lên cao đẳng, đại học.

Sinh viên ngành cơ điện tử, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong giờ thực hành trên hệ thống mô phỏng dây chuyền sản xuất hiện đại

Sinh viên ngành cơ điện tử, Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội trong giờ thực hành trên hệ thống mô phỏng dây chuyền sản xuất hiện đại

Th.S Hoàng Đức Long cho biết thêm, hiện trường đã nhận trên 100 hồ sơ đăng ký học trung cấp, phân bổ ở 16 ngành nghề, như: tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp; công nghệ kỹ thuật ô tô; công nghệ thông tin… Th.S Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM, cũng cho biết, tính đến giữa tháng 6-2023, trường đã tuyển được 200 em hệ 9+, và dự kiến đến hết tháng 7 sẽ tuyển đủ 500 chỉ tiêu học sinh lớp 10.

Các trường trung cấp như Nam Sài Gòn; Việt Giao; Hùng Vương; Bách khoa TPHCM; Trung cấp Nghề tổng hợp Hà Nội; Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội; Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật và Công nghệ Hà Nội… cũng đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm 2023 với số lượng chỉ tiêu cho chương trình 9+ bằng hoặc cao hơn những năm trước.

Lợi thế “3 năm 2 bằng”

Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội (HCEM) là một trong số ít cơ sở GDNN nằm trong tốp đầu miền Bắc, hiện đào tạo 10 ngành/nghề thuộc chương trình đào tạo THPT - Cao đẳng (9+4) như: điện công nghiệp; cơ điện tử; kế toán doanh nghiệp; thương mại điện tử; công nghệ ô tô…

Năm học này, HCEM tiếp tục tuyển sinh 400 chỉ tiêu đối với chương trình đào tạo 9+4. TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng HCEM, cho biết, các em được miễn 100% học phí 3 năm đầu học chuyên môn nghề nghiệp và chỉ đóng học phí chương trình học văn hóa. Năm thứ 4, các em đóng học phí theo chương trình đào tạo cao đẳng tại thời điểm học tập. Ngoài ra, HCEM cam kết giới thiệu việc làm đúng chuyên môn cho học sinh sau khi ra trường.

Tương tự, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, TPHCM tuyển sinh 270 chỉ tiêu trung cấp dành cho thí sinh tốt nghiệp THCS trở lên, với 6 ngành, bao gồm: bảo trì và sửa chữa ô tô; công nghệ kỹ thuật cơ khí; điện công nghiệp và dân dụng; quản lý và bán hàng siêu thị; quản lý và kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống; kế toán. Bên cạnh chương trình trung cấp, học sinh có thể tự chọn đăng ký học thêm chương trình văn hóa THPT (4 môn) để có thể liên thông sau khi hoàn thành chương trình trung cấp.

“Với thời gian đào tạo ngắn, chính sách hoàn trả học phí cùng chương trình đào tạo được xây dựng phù hợp, giúp người học có cơ hội tiếp cận với nghề nghiệp sớm, nhiều thí sinh, phụ huynh cần mạnh dạn rẽ sang hướng đi này sau THCS”, Th.S Võ Long Triều, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, nêu ý kiến… Trường Cao đẳng Quốc tế TPHCM cũng tuyển sinh 300 chỉ tiêu lớp 10, hệ 9+ cao đẳng. Trong đó có 150 chỉ tiêu ở chương trình đại trà, 50 chỉ tiêu ở chương trình liên kết quốc tế của Australia, 100 chỉ tiêu ở chương trình chất lượng cao (liên kết với Trường Đại học Bách khoa TPHCM và Đại học Kinh tế TPHCM). Phương thức xét tuyển học bạ, tốt nghiệp THCS.

“Chương trình quốc tế của Australia là chương trình song ngữ, học sinh vẫn học song song lấy bằng THPT quốc gia (18 tuổi lấy bằng THPT), 19 tuổi lấy bằng cao đẳng của Australia. Hoàn thành chương trình này, sinh viên sẽ học thêm 2 năm đại học tại Australia, sau đó sinh viên có thể làm việc ổn định tại Australia”, Th.S Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm.

Theo các chuyên gia giáo dục, không chỉ chú trọng bảo đảm đầu ra, các cơ sở GDNN còn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kết nối doanh nghiệp, đổi mới phương pháp đào tạo… Phụ huynh, học sinh có thể yên tâm lựa chọn chương trình 9+ làm con đường lập thân, lập nghiệp.

Tin cùng chuyên mục