Chia sẻ với chúng tôi, cô Nguyễn Thúy, Nhóm trưởng bộ môn Văn khối 8, cho biết hoạt động trên nằm trong dự án “Văn thuyết minh và cuộc sống”.
Thông qua việc lên ý tưởng sáng tạo những chiếc lồng đèn, học sinh còn có cơ hội ôn lại các kiến thức, kỹ năng đo đạc, tính toán hình khối, lắp đèn chiếu sáng và mỹ thuật trang trí, để tạo ra những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc làm quà tặng nhân dịp Trung thu cho các bạn học sinh nghèo ở phường Đa Kao (quận 1). Toàn bộ quá trình từ việc lên ý tưởng, chuẩn bị vật liệu đến bắt tay vào thực hiện đều do học sinh đảm nhiệm, giáo viên chỉ đóng vai trò hỗ trợ, tư vấn khi cần thiết.
Sau khi hoàn thành sản phẩm, các nhóm sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm lồng đèn, cách chơi và bảo quản lồng đèn, cũng như ý nghĩa văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc qua chiếc lồng đèn mà mọi trẻ em Việt Nam đều nô nức chơi vào mỗi dịp Trung thu.
Em Hoàng Anh Thư, học sinh lớp 8A3, cho biết: “Em thích những tiết học trải nghiệm. Tụi em vừa được mở mang nhiều kiến thức trong cuộc sống vừa thắt chặt hơn tình đoàn kết, sự tương thân tương ái”.
Nhóm của Anh Thư lấy ý tưởng kết hợp tính truyền thống với hiện đại, đã tạo ra chiếc lồng đèn bóng kiếng hình ngôi sao có gắn đèn led đủ màu. Trên hai mặt giấy bóng kiếng, các bạn còn dùng màu nước và bột kim tuyến vẽ thêm hình bác nông dân, chú Cuội và chị Hằng.
Ở một góc khác, nhóm của em Trương Mỹ Hoa, học sinh lớp 8A2, lấy ý tưởng từ hình ảnh đóa hoa sen để tạo ra chiếc lồng đèn từ những vật dụng tái chế như ly nhựa, muỗng nhựa, bình nước, ống hút…
Sau khi hoàn thành sản phẩm, mỗi nhóm sẽ có một tuần chuẩn bị bài thuyết trình để trình bày trước lớp; qua đó giúp các em hiểu hơn về ý nghĩa của chiếc lồng đèn cũng như giá trị của sự chia sẻ và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.