Nhen nhóm đốm lửa nhỏ - những đề tài nghiên cứu khoa học của học sinh phổ thông sẽ góp phần nuôi dưỡng đam mê, thổi bùng ngọn đuốc nghiên cứu khoa học của giới trẻ. Đó là mong muốn của ngành giáo dục cũng như những người tâm huyết với sân chơi “Cuộc thi học sinh nghiên cứu khoa học năm 2013” do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức ngày 26-1, tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.
Gần gũi với cuộc sống
Từ sáng sớm, khuôn viên của hành lang Trường chuyên Lê Hồng Phong đã nhộn nhịp bởi sự tất bật của các “nhà nghiên cứu khoa học tuổi học trò”. Mỗi gian hàng trưng bày sản phẩm nghiên cứu khoa học (NCKH) đến từ các trường THCS và THPT đều thể hiện niềm đam mê, sự sáng tạo của những học sinh thích được “nhúng” vào môi trường thực hành - nghiên cứu, sáng tạo và tìm tòi cái mới. Không tập trung vào các chủ đề liên quan đến các môn khoa học tự nhiên như hóa, vật lý, các lĩnh vực môi trường, xử lý chất thải, ứng dụng hóa sinh, công nghệ, điện tử… các em còn nghiên cứu những vấn đề khoa học xã hội như tâm lý học sinh, giáo dục giới tính, ngôn ngữ chat, sử dụng tiếng Anh thời hội nhập…
Gặt hái thành công ở cuộc thi này phải kể đến Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền với 4 đề ở 4 bộ môn khác nhau lọt vào chung kết. Giải thích vì sao lại chọn đề tài “Giấy PH làm từ bắp cải tím”, bạn Nguyễn Hoàng Anh Minh, trưởng nhóm đề tài của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, cho biết mua nguyên liệu giấy đổi màu ở phòng thí nghiệm giá đắt nên chúng em suy nghĩ có thể tìm loại giấy khác thay thế giá rẻ hơn và có thể ứng dụng cho tất cả học sinh có nhu cầu.
Với nguyên liệu rẻ, dễ tìm từ bắp cải tím, giấy lọc, nhóm này đã làm được loại giấy đổi màu dùng trong phòng thí nghiệm với giá thành rẻ hơn rất nhiều. Tương tự, hai nhóm học sinh lớp 11 Trường chuyên Lê Hồng Phong cũng hứng thú với công trình “Hệ thống trồng rau nuôi cá tự động tại gia” và “Khả năng sử dụng xỉ than tổ ong làm giá thể trồng rau sạch” được ứng dụng trong cuộc sống. Vừa thuyết trình vừa chỉ vào sản phẩm của mình, các em tự tin: Nó rất hữu ích đối với người tiêu dùng trong thời buổi ai cũng lo ngại, bất an với an toàn thực phẩm, rau xanh.
Với học sinh Trường THPT dân lập Đinh Thiện Lý thì nội dung đề tài “Tác phong công nghiệp, thái độ tích cực và tư duy chủ động ở người lao động trí thức TPHCM” đã khiến người lớn - thầy cô phải “giật mình” trước tư duy sáng tạo vượt tầm này. Điều các em trăn trở và muốn mổ xẻ là chất lượng nguồn nhân lực VN đang ở đâu và trong 10 năm nữa, những học sinh phổ thông hiện tại sẽ trở thành công dân trẻ mang sứ mệnh hội nhập, toàn cầu ra sao? Khi đang ngồi ở ghế trường học họ cần phải trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh gì? Qua trao đổi với nhóm mới thấy tầm nhìn của các em rất đáng ghi nhận.
Cần chính sách ưu tiên tài năng trẻ
Khác với cuộc thi học sinh NCKH ở 2 năm trước của TPHCM chỉ dành cho học sinh THPT, năm nay sân chơi này mở rộng đến nhiều trường THCS và thu hút đông đảo học sinh ở các quận, huyện tham gia. Điển hình như học sinh Trường THCS Huỳnh Văn Nghệ có đề tài “Chuông thông minh trong trường học”.
Còn nhóm học sinh Trường THCS Kim Đồng quận 5 thì thành công với đề tài “Một số phương pháp xử lý nước thải hồ cá”. Theo ông Phạm Ngọc Tiến, chuyên viên phòng THPT Sở GD-ĐT TPHCM, cuộc thi học sinh NCKH lần thứ ba năm 2013 có tổng cộng 130 đề tài của các trường tham dự vòng sơ khảo, trong đó có 21 đề tài của 13 trường lọt vào chung kết. Sau cuộc thi chung kết này, sẽ có 6 đề tài được chọn cuộc thi cấp quốc gia tổ chức vào tháng 3-2013.
So với 2 cuộc thi trước, cuộc thi năm nay có độ rộng và chiều sâu hơn vì thu hút đông đảo học sinh tham gia, đề tài phong phú đa dạng. Mục đích của sân chơi nhằm tạo điều kiện, khuyến khích học sinh học để hành, tiếp cận dần những vấn đề thực tiễn, các đề tài NCKH đều gần gũi, thiết thực với cuộc sống. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu của ban tổ chức, cuộc thi năm nay vẫn dừng ở những đề tài quen thuộc và chưa xuất hiện đề tài có “trọng lượng” thể hiện tính đột phá, sáng tạo cao. Điều này cũng dễ hiểu vì lâu nay, sân chơi này vừa thiếu vừa ít được đầu tư đúng tầm nên khó kỳ vọng.
Chính vì thế, dù Bộ GD-ĐT đã phát động, nhóm lửa cho phong trào nhưng muốn mở rộng hơn, thắp sáng thành ngọn đuốc NCKH trong học sinh, rất cần sự đầu tư bài bản và sự quan tâm từ nhiều phía. Theo cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, chương trình học nặng, cơ sở vật chất phòng thí nghiệm ở nhiều trường chưa đáp ứng nhu cầu NCKH nên việc nuôi dưỡng đam mê, giúp các em có đất dụng võ không dễ. Một thực tế khác, nhiều phụ huynh cũng chưa ủng hộ con em mình thả hồn theo đam mê NCKH, ở trường chỉ muốn học sinh dồn sức cho thi cử, chắc chắn bước chân vào đại học cũng khiến nhiều mầm non bị mai một.
Do vậy để nuôi dưỡng đam mê NCKH trong môi trường học đường và trân trọng những thành quả đóng góp của học sinh các cấp, nên chăng Bộ GD-ĐT có chính sách khuyến khích, ưu tiên cộng điểm hoặc tuyển thẳng đối với những học sinh có thành tích nghiên cứu khoa học đoạt giải cấp TP và quốc gia.
Khánh Bình