Hồi hộp!

Từ khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia  và Quy chế xét tuyển ĐH-CĐ năm 2015 (gọi tắt Dự thảo) khiến hàng triệu thí sinh trên cả nước, các cơ sở giáo dục THPT cho đến các trường ĐH, CĐ và sở GD-ĐT… liên tục hồi hộp. Bởi lẽ bản Dự thảo có quá nhiều thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến việc thi, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đầu tiên phải nói đến “sáng kiến” lấy thang điểm 20 thay cho thang điểm 10 đã khiến học sinh THPT và giới chuyên môn bất ngờ. Theo lý giải của Bộ GD-ĐT, việc sử dụng thang điểm 20 để giúp phân loại thí sinh và giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn tốt hơn khi xét tuyển. Có thể chủ đích của Bộ GD-ĐT là xuất phát từ việc làm sao để đảm bảo được những lợi ích cho thí sinh. Tuy nhiên, thực tế phản ứng của xã hội trước sáng kiến trên của bộ theo chiều ngược lại.

Thứ nhất, để phân loại thí sinh thì cơ bản và mấu chốt là ở cấu trúc đề thi, bộ là bên ra đề. Do đó, bộ muốn đề thi dễ hay khó, điểm cao hay thấp và phổ điểm như thế nào thì bộ chỉ cần “lệnh” cho ban ra đề thi là mọi chuyện sẽ như ý. Thứ hai, việc xét tốt nghiệp THPT có tính đến việc cộng điểm trung bình của năm lớp 12: Điểm xét tốt nghiệp = Tổng điểm 4 bài thi + Tổng điểm khuyến khích (nếu có)/8 + điểm trung bình lớp 12 . Vậy cùng một phép tính nhưng 2 tham số hoàn toàn khác nhau: điểm thi tốt nghiệp 4 môn tính thang điểm 20, trong khi điểm trung bình lớp 12 lại tính thang điểm 10. Thứ 3, tại sao Bộ GD-ĐT lại chọn thang điểm 20 mà không chọn thang điểm 50 hoặc 100 để dễ đạt mục đích phân loại tốt hơn?
 
Về phía các trường ĐH, CĐ nếu Dự thảo không chỉnh sửa thì khâu tổ chức thi, xét tuyển chắc chắn sẽ càng rối rắm. Ở khâu tổ chức thi, Bộ GD-ĐT dự kiến có khoảng 34 cụm thi. Tại TPHCM, dự kiến có 175.000 thí sinh dự thi tại 6 cụm thi do các trường ĐH tổ chức. Sở GD-ĐT TPHCM sẽ hỗ trợ các trường ĐH trong khâu tổ chức thi. Thực tế việc tổ chức thi với các trường ĐH là chuyện trong tầm tay. Tuy nhiên, vấn đề cần minh bạch và rạch ròi đó là kinh phí tổ chức, lệ phí thi, lệ phí chấm thi… thì lại bỏ trống.

Thực tế cho thấy, hễ trường nào tổ chức thi có khoảng 20.000 thí sinh đăng ký dự thi là chắc chắn sẽ bù lỗ ít nhất 500 triệu đồng. Do đó, nhiều trường ĐH được giao tổ chức thi cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần xem xét công bố mức lệ phí thi hợp lý cho từng môn, đồng thời có sự hỗ trợ về mặt tài chính để các trường không phải mang nợ.

Ở khâu xét tuyển, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực được quy định: điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 (một điểm), giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 (nửa điểm) đối với thang điểm 10. Nếu sử dụng thang điểm 20, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng, giữa các khu vực dự kiến sẽ được nhân 2.

Thực tế, điểm ưu tiên khu vực và điểm ưu tiên đối tượng là theo quy định của Chính phủ. Có nghĩa, thí sinh thuộc đối tượng quy định đó thì được hưởng chừng đó điểm chứ không phải phụ thuộc vào việc thi bao nhiêu môn thì cách tính điểm sẽ khác. Nếu Bộ GD-ĐT nhân 2 cho 2 loại điểm ưu tiên này là làm trái quy định của Chính phủ.
 
Đây mới chỉ là dự thảo và chắc chắn Bộ GD-ĐT sẽ lắng nghe và tiếp nhận các ý kiến đóng góp của toàn xã hội. Trong đó, điều mà các trường ĐH, CĐ mong muốn nhất ở Bộ GD-ĐT chính là mọi điều chỉnh phải tránh sự xáo trộn, đột ngột và ảnh hưởng đến công tác xét tuyển của các trường. Bộ GD-ĐT cần làm sớm để sớm có quy chế quy định rõ ràng, phần mềm quản lý dữ liệu thí sinh tốt nghiệp, còn chuyện xét tuyển, chọn lựa thí sinh nên để các trường tự làm.

HÙNG THOẠI

Tin cùng chuyên mục