Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hiệp quốc 2013: Tìm giải pháp giảm thiểu khí thải nhà kính

Đại diện Philippines tuyệt thực, hội nghị rơi nước mắt
Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hiệp quốc 2013: Tìm giải pháp giảm thiểu khí thải nhà kính

Hội nghị biến đổi khí hậu LHQ 2013 (COP - 19) đang diễn ra tại Warsaw, Ba Lan và dự kiến thông qua lời kêu gọi đạt được một thỏa thuận mới nhằm cắt giảm lượng khí thải nhà kính gây hiện tượng biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng các cuộc đàm phán về ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đạt hiệu quả mong muốn vì thiếu tiếp cận thông tin mới nhất về khoa học, công nghệ…

Ông Yeb Sano, người đứng đầu phái đoàn Philippines, có bài phát biểu về cơn bão Haiyan gây xúc động tại Hội nghị biến đổi khí hậu LHQ 2013.

Ông Yeb Sano, người đứng đầu phái đoàn Philippines, có bài phát biểu về cơn bão Haiyan gây xúc động tại Hội nghị biến đổi khí hậu LHQ 2013.

Đại diện Philippines tuyệt thực, hội nghị rơi nước mắt

Người đứng đầu phái đoàn Philippines tại cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu của LHQ tại Ba Lan Yeb Sano tuyên bố ông sẽ tuyệt thực cho đến khi một giải pháp thực sự được đưa ra. Ông Yeb Sano cũng gây xúc động cho các đại biểu LHQ với bài phát biểu về cơn bão Haiyan.

Ông Sano khẳng định: “Với tấm lòng hướng về người dân đang đói và lạnh tại quê nhà, tôi tình nguyện tuyệt thực vì khí hậu, điều này có nghĩa là trong 12 ngày diễn ra hội nghị, tôi sẽ không động tới thức ăn cho tới khi một giải pháp thực sự được đưa ra”. Ông cho rằng những thiệt hại nặng nề mà Philippines đang phải chịu đựng là hậu quả đỉnh điểm của sự biến đổi khí hậu. “Chúng ta có thể dừng sự điên rồ này ngay tại Warsaw”, ông nói. Bài phát biểu của ông Sano đã nhận được sự hưởng ứng của các đại biểu và rất nhiều người rơi nước mắt.

Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC), bà Christina Figueres khẳng định thế giới đã sẵn sàng và đang hành động mạnh mẽ nhằm bảo vệ môi trường xung quanh, vì an ninh, năng lượng, kinh tế và quản trị. Bà nhấn mạnh một số lĩnh vực quan trọng mà COP - 19 cần đạt được như xác định nguồn tài chính để giúp toàn thế giới hướng tới tiến trình phát triển ít phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch và xây dựng cơ chế giúp các khu vực có dân số chịu rủi ro cao do biến đổi khí hậu.

Bà C.Figueres cho rằng cơn bão Haiyan chính là một phần của “thực tế đau lòng” và các bên đàm phán cần phải “nỗ lực hơn nữa” để đạt được thỏa thuận. Trong diễn văn tại Warsaw, bà Figueres nhắc nhở:  “Sẽ không có người thắng hay kẻ thua. Chúng ta sẽ cùng thắng hoặc cùng thua trong tương lai mà chính chúng ta tạo ra”.

Cần cập nhật thông tin mới nhất

Các báo cáo đăng trên tạp chí Năng lượng Procedia cho biết, hội nghị hàng năm của các bên (COP) tổ chức liên quan đến Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCCC) bị hạn chế trong tiếp cận với thông tin khoa học.

Tim Dixon, một trong những tác giả của bài báo về công nghệ thu giữ carbon (CCS) thuộc chương trình nghiên cứu phát triển của Cơ quan Năng lượng khí nhà kính (IEAGHG), cho biết các nước đang phát triển hiện đang xem xét các dự án CCS để giảm thiểu khí thải nhà kính, bao gồm Botswana, Brazil, Trung Quốc, Indonesia, Mexico và Nam Phi.

Ông Dixon nói rằng, các cuộc hội thảo kỹ thuật sẽ trở nên ngày càng quan trọng đối với các cuộc đàm phán về công nghệ giảm thiểu biến đổi khí hậu trong tương lai. Theo Dixon, mặc dù giảm phát thải nên được ưu tiên để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, song những kiến thức về kỹ thuật, công nghệ cũng cần được xem xét một cách đúng đắn. Tuy nhiên, UNFCCC lại cho rằng công nghệ này có thể khuyến khích tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Hội nghị biến đổi khí hậu LHQ diễn ra vào thời điểm bão Haiyan vừa tàn phá dữ dội Philippines đã tạo thêm sức ép để các nước phải đàm phán, tìm giải pháp hữu hiệu ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục