Ngày 22-11, các lãnh đạo thuộc Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp tại Brussels, Bỉ, bàn biện pháp tháo gỡ những bế tắc về tăng ngân sách trong 7 năm (2014-2020), vốn đang là vấn đề gây chia rẽ giữa các quốc gia thành viên.
Khó đạt đồng thuận
Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận 2 dự thảo ngân sách do Ủy ban châu Âu (EC) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu đề xuất. Những nhận định trước thềm hội nghị cho thấy, hai dự thảo này khó nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên. EC đưa ra ngân sách dài hạn 2014-2020 là 1.000 tỷ EUR, tăng 5% so với ngân sách năm 2012. Đề xuất của EC khi mới đưa ra đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của một số nước như Anh, Đức, Thụy Sĩ và Hà Lan. Những nước này cho rằng, trong bối cảnh các nước thành viên EU đang thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng, sẽ là không hợp lý nếu ngân sách của toàn khối lại tăng lên.
Trong khi đó, dự thảo ngân sách của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy giảm khoảng 75 tỷ EUR trong ngân sách giai đoạn 2014-2020 trị giá 1.000 tỷ EUR. Đề xuất này được cho là sẽ làm vừa lòng những nước như Anh, Hà Lan, Đức… nhưng lại khiến Pháp và Tây Ban Nha nổi giận. Dự thảo mới cắt giảm chi tiêu cho các lĩnh vực nông nghiệp nên sẽ ảnh hưởng đến những nước đang nhận nhiều trợ giá nông nghiệp.
Theo tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cảnh báo nếu hội nghị thượng đỉnh của EU lần này thất bại, sẽ có một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo bàn về ngân sách tổ chức vào đầu năm sau. Sở dĩ Thủ tướng Merkel rất muốn đạt được thỏa thuận về vấn đề ngân sách của EU tại cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tháng 11 bởi nó sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán tiếp theo về giải quyết cuộc khủng hoảng ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Truyền thông phương Tây cho rằng hội nghị này sẽ rất căng thẳng vì thất bại đã được dự báo trước.
Tiếp tục suy thoái
Trong khi Liên minh châu Âu còn chưa tìm được tiếng nói chung về ngân sách chi tiêu năm 2013 thì hàng trăm ngàn người lao động trong toàn khối đã tổ chức hàng loạt các cuộc biểu tình và đình công phản đối tình trạng thất nghiệp gia tăng và các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trước thềm diễn ra hội nghị, Liên minh Công đoàn châu Âu đã phối hợp hành động trên toàn châu Âu. Công đoàn tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã đình công để phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng gồm tăng thuế, cắt giảm tiền lương, trợ cấp hưu trí, phúc lợi và các dịch vụ xã hội. Các cuộc đình công cũng diễn ra tại hàng loạt các nước châu Âu, gây ảnh hưởng và làm ngưng trệ hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt và hàng không.
Các cuộc biểu tình, đình công diễn ra trong bối cảnh eurozone lại rơi vào suy thoái trong quý 3 năm nay với dự đoán tình hình có thể còn tiếp tục tồi tệ hơn trong quý cuối cùng của năm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của eurozone tiếp tục giảm 0,1%, sau khi đã giảm 0,2% trong quý trước. Đây là lần thứ hai eurozone chính thức rơi vào suy thoái kể từ năm 2009. Mặc dù các nền kinh tế Đức và Pháp vẫn tiếp tục tăng trưởng, song tính toàn bộ 17 nền kinh tế thành viên, khu vực eurozone vẫn rơi vào suy thoái sâu.
Thanh Hằng (tổng hợp)