Đa số các thành viên đều ủng hộ sau khi Campuchia lý giải rằng tiền thu từ bản quyền sẽ phân chia lại cho các đoàn dự đại hội, đồng thời cũng giúp nước chủ nhà mạnh dạn đầu tư cho công nghệ ghi hình phục vụ người xem.
Bản quyền truyền hình thể thao là vấn đề không mới. Có thống kê cho biết, mỗi năm các quốc gia Đông Nam Á chi hơn 300 triệu USD cho việc mua bản quyền truyền hình thể thao, chủ yếu từ những sự kiện tầm cỡ thế giới, đặc biệt là bóng đá. Tuy nhiên, hoạt động bán bản quyền các sự kiện thể thao Đông Nam Á lại manh mún, không có thống kê đáng kể nào cả. Giải đấu hiếm hoi có giá trị bản quyền cao như AFF Cup do đơn vị kinh doanh chuyên nghiệp quốc tế đảm nhiệm cũng không có con số chính xác nào về quy mô thị trường và mặt bằng giá cả.
Lâu nay, bản quyền SEA Games phân phối miễn phí nhằm quảng bá cho quốc gia đăng cai. Nhưng càng về sau, mục đích quảng bá không còn lớn trong khi chi phí đầu tư ghi hình lại tăng lên do số lượng môn thi đấu nhiều, yêu cầu về mặt công nghệ và chất lượng cũng lớn hơn và điều này tạo ra áp lực tài chính cho nước đăng cai, nhất là với những nơi lần đầu tổ chức như Campuchia. Trong trường hợp này, việc mua bản quyền sẽ là một cách đóng góp cụ thể cho sự thành công của nước chủ nhà, ít nhất cũng là ủng hộ tinh thần, tạo ra tiền lệ cần thiết cho sự phát triển của SEA Games.
Đối với Việt Nam, rõ ràng việc SEA Games có bản quyền là điều cần được ủng hộ. Khoan nói về doanh thu nhiều hay ít, nhưng thói quen mua - bán bản quyền cần được xây dựng. SEA Games là đại hội thể thao có số lượng môn thi đấu rất lớn, nhưng có nhiều môn chỉ phổ biến ở một số quốc gia, nên dù có được miễn phí thì chưa chắc các môn đó đã được 11/11 quốc gia phát sóng. Nếu SEA Games bán bản quyền, các quốc gia sẽ chọn mua sóng theo nhu cầu, trong trường hợp này sẽ có nhiều môn dù ít phổ biến và thi đấu ngắn ngày nhưng có thể lại bán được bản quyền giá cao. Đây chính là các điều kiện cần thiết để tạo ra một thị trường bản quyền có tính ổn định trong tương lai, không chỉ khi có SEA Games.
Từ sau thương vụ bất thành năm 2012 của AVG với tham vọng mua tất cả bản quyền những giải vô địch thể thao quốc gia tại Việt Nam trong 20 năm, đến nay các bản quyền thể thao do Việt Nam sản xuất vẫn hạn chế khả năng kinh doanh.
Ngay như bản quyền của V-League, giải đấu bóng đá số 1 quốc gia, chẳng có con số cụ thể nào về giá chào bán, hay tổng nguồn thu từ các bên liên quan đang phát sóng trực tiếp mỗi tuần. Các đài truyền hình ở Việt Nam đã quá quen với việc mua bản quyền thể thao thế giới, tiếc là đến nay chưa có một liên doanh, liên kết nào giữa các đài để định hình một tiêu chuẩn về giá trị, trong khi các đơn vị tổ chức giải lại không đủ năng lực tài chính để tự sản xuất bản quyền riêng.
Việc mua - bán bản quyền luôn có giá trị thúc đẩy sự phát triển trong thể thao chuyên nghiệp. Thậm chí, bản quyền còn đi trước các hoạt động thương mại khác trong thể thao nhà nghề, vì đó là nguồn thu quan trọng của nhà tổ chức, VĐV. Mỗi năm, làng thể thao Đông Nam Á có hàng trăm giải đấu, nhưng thật đáng tiếc là đến đại hội 2 năm tổ chức một lần như SEA Games vẫn chưa thể bán bản quyền. Hy vọng đề xuất của Campuchia sẽ có những xúc tiến cụ thể, để vấn đề bản quyền có sự thay đổi mang tính cách mạng.