Hơn 800 học sinh hào hứng trải nghiệm Ngày hội giáo dục STEM

Sáng 30-3, tại Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (TP Thủ Đức), hơn 800 học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình đã tham gia Ngày hội giáo dục STEM năm học 2023-2024, với chủ đề "Khơi nguồn sáng tạo".

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Đây là hoạt động do Phòng GD-ĐT Thủ Đức tổ chức hàng năm, nhằm tạo sân chơi bổ ích và sáng tạo cho học sinh, đồng thời tạo cơ hội cho giáo viên các trường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.

IMG_20240330_131023.jpg
Học sinh tìm hiểu các mô hình công nghệ tại Ngày hội giáo dục STEM

Theo ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, đây là năm thứ hai Ngày hội giáo dục STEM được tổ chức với nhiều điểm mới, như tăng số lượng gian hàng triển lãm sản phẩm của học sinh, tạo cơ hội cho các em tiếp cận nhiều công nghệ mới.

Sự tham dự của học sinh đến từ các trường tiểu học, THCS ở các quận 1, 3, 5, 10, Tân Bình cũng góp phần tăng thêm cơ hội giao lưu, học hỏi cho học sinh và giáo viên giữa các địa phương.

"Năm học 2023-2024, TP Thủ Đức có hơn 100 trường học (cả công lập và ngoài công lập), trong đó tất cả đều triển khai dạy học STEM. Thực tế dạy học theo hướng tiếp cận STEM cho thấy, học sinh tăng thêm hứng thú học tập, giáo viên phát huy khả năng sáng tạo, nâng cao hiệu quả giảng dạy", đại diện Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức cho hay.

IMG_20240330_131027.jpg
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc (ngoài cùng, bên phải) cùng học sinh trải nghiệm ứng dụng STEM vào đời sống

Tham gia ngày hội với mô hình sa bàn với robot vận chuyển hàng hóa, Huỳnh Tuấn Khải, học sinh lớp 6A13, Trường THCS Hồng Bàng (quận 5) cho biết, đây là lần đầu tiên em được tận mắt trải nghiệm nhiều công nghệ mới, giúp em học hỏi thêm nhiều kiến thức bổ ích.

Tương tự, với Đặng Vũ Thụy Huỳnh Giao, học sinh lớp 8, Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), mô hình nông trại thông minh với khả năng theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho động vật nuôi mà nhóm em mang đến ngày hội là tâm huyết, công sức nghiên cứu của cả nhóm suốt hơn 3 tháng qua.

IMG_20240330_131032.jpg
Học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (quận 10) với mô hình nông trại thông minh

Nữ sinh hào hứng cho biết, nông trại thông minh có chức năng cảm biến nhiệt độ, khi thời tiết quá nóng sẽ có quạt tự động làm mát không gian ở cho động vật nuôi, đồng thời được trang bị cảm biến mùi giúp nhận diện mức độ ô nhiễm, từ đó điều khiển hệ thống xịt rửa.

"Khi mới bắt tay vào nghiên cứu, mọi thứ đối với em đều lạ lẫm, đòi hỏi nhiều thời gian tích lũy kiến thức. Tuy nhiên, càng tìm hiểu sâu về công nghệ, em nhận ra lĩnh vực này có tính ứng dụng rất cao trong đời sống thực tiễn, giúp hiện thực hóa kiến thức bằng nhiều sản phẩm hữu ích cho con người", Huỳnh Giao bày tỏ.

IMG_20240330_131018.jpg
Học sinh hào hứng tìm hiểu nhiều ứng dụng công nghệ mới lạ tại ngày hội

Đánh giá cao sự đa dạng về tính năng của các mô hình, cô Lê Hoàng Ngọc Trân, giáo viên Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (quận Tân Bình) nhận định, các môn Toán, Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật thoạt nhìn có vẻ khô khan nhưng nếu học sinh biết tổng hợp và vận dụng kiến thức sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao, giúp các em cảm thấy yêu thích hơn các môn học.

"Dạy học trên lớp nếu chỉ chăm chăm cung cấp kiến thức và kỹ năng cho học sinh mà bỏ qua việc tìm tòi, nghiên cứu sẽ khiến lý thuyết xa rời thực tiễn. Thay vào đó, giáo viên cần khơi gợi sáng tạo cho học sinh, giúp các em phát triển các ý tưởng thành sản phẩm thực tế, từ đó giúp học sinh tự tin, năng động hơn trong học tập", cô Ngọc Trân cho biết.

IMG_20240330_131014.jpg
Giáo viên chia sẻ kinh nghiệm dạy học với trí tuệ nhân tạo

Ngoài các hoạt động triển lãm, tạo cơ hội cho học sinh tìm hiểu và trải nghiệm công nghệ, ngày hội còn có các buổi hội thảo nhằm giúp giáo viên chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động dạy học.

Tin cùng chuyên mục