Hợp tác nghề cá trên biển Đông: Cần hành động chung của ASEAN

Từ ngày 1 đến 6-6, diễn đàn tư vấn quản lý nghề cá ASEAN lần thứ nhất (AFCF1) và cuộc họp lần thứ 17 nhóm công tác nghề cá ASEAN (ASWGFi17) do Việt Nam chủ trì diễn ra tại Hội An, Quảng Nam. Bên lề diễn đàn, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi ngắn với Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ NN-PTNT Nguyễn Viết Mạnh về những vấn đề liên quan đến công tác nghề cá của Việt Nam, đặc biệt là khó khăn trong hoạt động đánh bắt cá trên biển Đông hiện nay.

- PV: Thưa ông, hiện nay có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân miền Trung phải nằm bờ trong vụ mùa đánh bắt do gặp khó khăn về giá, ngư trường bị thu hẹp… có được đặt lên bàn cuộc họp này hay không?

Ông NGUYỄN VIẾT MẠNH: Cuộc họp này đưa lên bàn những vấn đề liên quan đến tất cả các nước ASEAN, tất nhiên trong đó có vấn đề công ăn việc làm. Phải gắn liền với việc xuất khẩu thủy sản mới tạo việc làm cho ngư dân. Hội nghị này chúng tôi đưa ra giải pháp các nước trong khu vực phải hợp tác lại để tìm ra hướng nâng cao đời sống, giải quyết công ăn việc làm cho ngư dân cũng như phải đối chọi với bão tố và biến đổi khí hậu. Hiện nay, biến đổi khí hậu là vấn đề “nóng” đối với tất cả các nước trong khu vực.

- Vừa qua, Việt Nam và Malaysia có những thỏa thuận về lãnh hải, khai thác biển Đông, ông đánh giá như thế nào về những thành công đó?

Về vấn đề này, từ quan điểm của Chính phủ, Bộ NN-PTNT sẽ bàn với Tổng cục Nghề cá của Malaysia để làm sao ký được những thỏa thuận, mà trong đó bao gồm cả vấn đề khai thác, chế biến, giúp nhau trong khai thác… Chúng tôi đang xúc tiến đàm phán để đạt được những thỏa thuận không chỉ với Malaysia mà còn đối với tất cả các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines.

- Vừa qua, Trung Quốc ra quy định cấm đánh bắt cá trên biển Đông từ 12 độ vĩ Bắc trở lên gây khó khăn cho ngư dân miền Trung trong vấn đề khai thác ngư trường, ông nhận định vấn đề này như thế nào?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thay mặt Chính phủ đã phát biểu quan điểm của Việt Nam về vấn đề này.

- Thời gian qua, tàu đánh bắt xa bờ của Việt Nam liên tục bị tàu lạ của nước ngoài đâm chìm, dưới góc độ quản lý, phải làm gì để bảo vệ ngư dân?

Về việc này, trước hết chúng ta tuyên truyền người dân phải có những phương tiện cứu hộ như áo phao, trang bị máy thông tin liên lạc. Ngoài ra, thông qua đường ngoại giao, chúng tôi yêu cầu các nước bạn hỗ trợ cứu hộ cứu nạn ngư dân khi cần thiết để hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.

- Xin cảm ơn ông!

Tại diễn đàn, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam cho biết: “Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2008 của Việt Nam đạt 4,5 tỷ USD. Việt Nam được biết đến như một nhà cung cấp thủy sản lớn và ổn định trên thị trường thế giới, trở thành bạn hàng tin cậy của hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu thủy sản. Hy vọng tại cuộc họp các nước sẽ đưa ra được những sáng kiến nhằm tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp vốn có và nâng cao hiệu quả của các hoạt động hợp tác khu vực vì một nghề cá bền vững, tăng cường khả năng ứng phó với khủng hoảng kinh tế, đảm bảo đời sống cho hàng triệu cư dân ven biển”.

Nguyên Khôi thực hiện

Tin cùng chuyên mục