Hợp tác quốc phòng trước mối đe dọa an ninh phi truyền thống

Điểm nhấn nổi bật tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN năm 2020 (ADMM hẹp) vừa diễn ra tại Hà Nội chính là nội dung hợp tác an ninh phi truyền thống. Lần đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN đã ra Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng đối phó với mối đe dọa an ninh phi truyền thống trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trong khu vực. Trong đó, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN khẳng định: Chủ động hợp tác giữa các cơ quan chuyên ngành của ASEAN trong ứng phó với Covid-19 trên tinh thần đoàn kết của ASEAN, với khu vực và thế giới; ủng hộ các nỗ lực của các cơ quan y tế từng nước cũng như tận dụng các cơ chế khu vực của ASEAN về y tế nhằm phối hợp và hợp tác trong việc ứng phó với dịch bệnh này…

Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, nhận định, ASEAN vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự cạnh tranh của các nước lớn trong khu vực, thách thức về an ninh biển, bao gồm vấn đề biển Đông, sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống, dịch bệnh. Đặc biệt, sự bùng phát và lan rộng nhanh chóng của dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức chung của cả khu vực, thế giới chứ không riêng ASEAN. Bên cạnh những lo lắng có cơ sở về tính nghiêm trọng của Covid-19, việc phát tán thông tin giả mạo trên mạng xã hội cũng đã trở thành một thách thức mà chúng ta phải chung tay ứng phó; cùng với đó là dịch bệnh, tình trạng buôn người, tội phạm ma túy, di dân tự do xuyên quốc gia, cướp biển, cứu hộ thiên tai, hỗ trợ nhân đạo,… Những nội dung này đã được ADMM hẹp thảo luận và thống nhất hợp tác để phòng chống. 

Các vấn đề trên thuộc trách nhiệm xử lý, giải quyết của nhiều tổ chức, bộ ngành ở mỗi quốc gia nhưng với lợi thế và đặc thù của quân đội, sự hợp tác quốc phòng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho mỗi quốc gia. Ví dụ như đấu tranh chống tội phạm ma túy và buôn người xuyên quốc gia, sự hợp tác của lực lượng biên phòng các quốc gia, chắc chắn là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định sự thành công của từng chuyên án, vụ việc. Với cứu hộ nhân đạo và ứng phó thiên tai, thảm họa, quân đội cũng luôn là lực lượng nòng cốt ở mỗi quốc gia. Với dịch Covid-19, sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, chặt chẽ và khoa học của lực lượng quân đội Việt Nam đã đem lại hiệu quả cao là ví dụ điển hình.

Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, Việt Nam rất trách nhiệm trong ứng phó có hiệu quả với dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an ninh y tế cho Hội nghị ADMM hẹp, cũng như các hoạt động tiếp theo trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; đồng thời với vai trò Chủ tịch Ban Giám đốc của Trung tâm Quân y ASEAN trong 2020, Việt Nam đề xuất với các nước thành viên tổ chức diễn tập xử lý tình huống ứng phó với dịch bệnh lan truyền ngay trong năm 2020. Việt Nam cũng đề nghị các nước đối tác của ASEAN tăng cường hơn nữa hợp tác nâng cao năng lực ứng phó của quân y cho các nước ASEAN, đặc biệt đối với bảo đảm quân y trong ứng phó với dịch bệnh.

Việc chỉ trong một thời gian ngắn, ADMM hẹp thông qua được Tuyên bố chung về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh, chứng tỏ sự nhanh nhạy và thích ứng của các nước thành viên để cùng chung tay đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống hiện nay, nhất là dịch bệnh Covid-19 mà không một quốc gia nào có thể tự mình ứng phó được. Điều đó tạo ra nền tảng thúc đẩy và hình thành các sáng kiến hợp tác thực chất trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây dựng lòng tin, tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa các nước trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục