Hộp thư văn hóa văn nghệ

* Trần Ngọc Tường Châu (Nguyễn Trãi, Q.5): Xin hỏi thi cử thời phong kiến có phao thi và tiêu cực như bây giờ không?

- Thời nào cũng có những cách luồn lách, gian lận trong thi cử, nhưng nếu bị phát hiện sẽ bị phạt rất nặng, nên nói chung ở thời phong kiến thi cử rất hiếm khi xảy ra gian lận.

Ví như Cao Bá Quát được sung vào chấm sơ khảo ở trường Thừa Thiên đời vua Thiệu Trị (1841), vì thương tài nên ông đã cùng đồng viện là Phan Nhạ lén dùng muội đèn sửa một số bài văn phạm quy.

Sự việc vỡ lở, Giám sát trường vụ là Hồ Trọng Tuấn định án dâng lên vua kết ông tội chết. Vua xét thấy Cao Bá Quát không có ý tư lợi mà chỉ “làm càn” nên đã gia ơn giảm tội chết, chỉ phạt giam và chịu nhục hình đánh roi… Trước mỗi khoa thi luôn có tổ chức kỳ thi khảo hạch, ai đỗ mới được gọi là khóa sinh và được miễn sưu thuế.

Vì vậy, nhà giàu vẫn có cách thuê người giỏi làm bài giúp trong kỳ khảo hạch, chỉ mong được tiếng là khóa sinh là đã vinh dự lắm rồi.

Tất nhiên đó chỉ là những cách gian lận để được tiếng thơm trong làng xã, chứ lên đến thi Đình ở cấp Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thì chính nhà vua sẽ là người quyết định cuối cùng để chọn thứ bậc nhân tài.

Đây là cách tuyển chọn nhân tài từ nhân dân, không phân biệt sang hèn, một ưu điểm của trường thi thời phong kiến phương Đông.

Bích Châu
 

Tin cùng chuyên mục