Hiện nay, trên địa bàn TP có 96 HTX và 2 liên hiệp HTX đang hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, trong đó có 92 HTX đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, với tổng vốn điều lệ đạt hơn 3.305 tỷ đồng.
Riêng trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hiện có 79 HTX, trong đó có 38 HTX chuyển đổi theo Luật HTX 2012, với vốn điều lệ đạt hơn 64 tỷ đồng.
HTX Bánh tráng Phú Hòa Đông,Củ Chi. Ảnh: Đ.C.P.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để các HTX phát triển, cạnh tranh tốt với các loại hình kinh tế khác, rất cần các chính sách hỗ trợ.
TP cần hỗ trợ HTX vay vốn theo dạng tín chấp, cho HTX thuê mặt bằng thời gian dài, ổn định và có lộ trình tăng giá cụ thể để HTX chủ động trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh.
Với các HTX quản lý chợ, cần tăng thời hạn hợp đồng giao, nhận thầu kinh doanh khai thác và quản lý chợ từ 10 năm đến 20 năm để HTX có điều kiện củng cố, tổ chức bộ máy.
Cần có chính sách hỗ trợ kinh phí để chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng các chợ đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Điều chỉnh tăng mức thu phí, lệ phí tại các chợ nhằm bảo đảm các chế độ tiền lương, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bù đắp một phần chi phí cho hoạt động thường xuyên của ban quản lý chợ.
Ngay sau buổi làm việc với Sở Công thương, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM tiếp tục làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM và các HTX trong lĩnh vực tín dụng.
Theo các đại biểu, do vốn điều lệ của các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) còn thấp, bình quân 5 tỷ đồng/quỹ (thấp nhất là 1,5 tỷ đồng, cao nhất là 9,5 tỷ đồng) nên các đơn vị không có khả năng đầu tư đầy đủ vào tài sản và xây dựng kho tiền theo tiêu chuẩn ngân hàng nhà nước quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần giảm thuế thu nhập DN của QTDND từ mức 17% xuống còn 10%, phần chênh lệch do giảm thuế không được dùng để chia cổ tức và phải chuyển vào quỹ đầu tư phát triển để đầu tư cơ sở vật chất, tài sản cố định nhằm tạo điều kiện để QTDND ổn định và phát triển.