Vừa qua, Hội Nhà văn Việt Nam đã ra mắt Trung tâm Dịch thuật văn học. Trung tâm được thành lập với mục tiêu đưa văn học Việt ra thế giới và tuyển dịch văn chương các nước đưa về Việt Nam.
Ở vai trò thứ hai, sự tồn tại của trung tâm này thuộc dạng “có cũng được mà không có cũng chẳng sao” vì bấy lâu nay dù không có trung tâm thì lượng sách quốc tế được dịch qua tiếng Việt không hề thiếu, chất lượng cũng ngày một hoàn thiện. Chính vì thế, sự tồn tại và hy vọng nhiều nhất của trung tâm dịch văn học chính là ở nhiệm vụ đầu tiên: “đưa vẻ đẹp văn học Việt ra thế giới”.
Từ bấy lâu nay, khi nhắc đến việc “xuất khẩu” văn chương Việt thì một trong những điều được xem là gây khó nhất chính là vấn đề chuyển ngữ. Tiếng Việt không phải là thứ tiếng phổ biến trên thế giới nên không thể giới thiệu đến bạn đọc nước ngoài cái hay, cái đẹp của văn chương Việt Nam nếu cứ để nguyên ngôn ngữ gốc. Trong khi đó, các tác phẩm văn học Việt ra nước ngoài phần lớn đều mang tính tự phát, đa số là do bạn đọc nước ngoài biết tiếng Việt, đọc sách Việt, ưa thích một vài tác phẩm nào đó nên chủ động dịch thuật, xuất bản tại nước ngoài. Một số dựa vào các chương trình giao lưu văn hóa để được xuất ngoại, đến tay bạn đọc các nước.
Thế nhưng, không phải cứ có trung tâm dịch thuật là sách Việt có điều kiện đến với bạn bè năm châu. Thực tế từ trước khi trung tâm dịch thuật văn học này ra đời, đã có nhiều hoạt động quảng bá văn chương Việt đến với thế giới như trang web quảng bá sách Việt của Chibook, loạt sách song ngữ của Kim Đồng… Thế nhưng hiệu quả lại rất thấp nếu không nói là hầu như trắng tay. Lý do cơ bản vẫn là vấn đề kinh phí. Để dịch tốt một tác phẩm, đòi hỏi kinh phí khá lớn cho dịch giả nhưng không phải cứ cuốn nào được dịch là cũng “xuất khẩu” được. Dịch thuật ở đây chỉ là điều kiện cơ bản để bắt đầu quá trình quảng bá, giới thiệu sách với các NXB quốc tế. Hàng trăm cuốn sách họa chăng có được 1 hay 2 cuốn có NXB hỏi mua và dĩ nhiên không đơn vị nào có thể chịu nổi chi phí đầu tư ban đầu lớn đến như thế. Đó là chưa kể đến một vấn đề là sách xuất bản tại nước nào thì người ta sẽ thuê dịch giả người bản địa để có thể chuyển tải tốt nhất ý nghĩa của tác phẩm theo cách mà bạn đọc tại quốc gia đó có thể hiểu được.
Trung tâm dịch thuật vừa mới được thành lập hoạt động theo nguyên tắc tự quản và tự trang trải kinh phí với con dấu và tài khoản riêng. Như vậy, chỉ riêng việc tồn tại đã là cả vấn đề đối với trung tâm này chứ chưa đề cập đến việc đầu tư chuyển ngữ sách Việt để xuất khẩu. Một dịch giả cho biết, thời gian đầu nguồn kinh phí chính để duy trì trung tâm sẽ là việc dịch các tác phẩm nước ngoài cho các đơn vị làm sách trong nước. Sách Việt dịch ra các ngôn ngữ khác sẽ chỉ có thể thực hiện nếu có đặt hàng từ các nhà làm sách.
Như vậy, không thể trông chờ Trung tâm Dịch thuật văn học của Hội Nhà văn Việt Nam có thể làm thay đổi thực trạng “xuất khẩu” văn học Việt ra thế giới hiện nay. Tuy nhiên, nhìn dưới một góc độ khác, trung tâm có thể được xem là một nơi hội tụ giới dịch thuật để trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ trong các vấn đề chuyên môn và nếu mọi việc tốt đẹp, thì trung tâm có thể coi là một dạng tiêu chuẩn, trọng tài trong vấn đề dịch thuật vốn cũng đang đầy phức tạp trong nước hiện nay.
TƯỜNG VY