Indonesia xây nhà máy chế rác thải nhựa thành dầu diesel

Chính quyền tỉnh Tây Java của Indonesia sẽ hợp tác với Công ty Plastic Energy có trụ sở tại Anh để xây dựng các nhà máy chế biến chất thải nhựa thành dầu diesel và nguyên liệu nhựa thô. 
Indonesia xây nhà máy chế rác thải nhựa thành dầu diesel

Theo kế hoạch, dự án trên sẽ bắt đầu được triển khai trong năm nay và hoàn thành vào năm 2023. Các nhà máy trên được xây dựng tại 5 địa điểm, mỗi nơi bao gồm 2 nhà máy, trong đó một nhà máy lọc chất thải nhựa ra khỏi các loại chất thải khác và một nhà máy chế biến rác thải nhựa thành dầu diesel. Nhà máy đầu tiên cần khoảng 9 tháng để hoàn tất xây dựng, trong khi nhà máy thứ 2 mất khoảng 2 năm.

Giám đốc điều hành Plastic Energy Carlos Monreal cho biết công ty đầu tư ít nhất 55 triệu USD cho mỗi địa điểm xử lý chất thải tại Indonesia. Hiện công ty đang tái chế 5-6 triệu tấn nhựa mỗi năm tại châu Âu và đặt mục tiêu nâng công suất lên 10 triệu tấn vào năm 2025. Công ty này đã xây dựng các cơ sở tương tự tại Tây Ban Nha và vừa ký kết một thỏa thuận cung cấp nguyên liệu sản xuất hạt polymer cho đối tác Hà Lan.

Theo Science Alert, polyethylene là loại nhựa phổ biến nhất trên thế giới, tạo ra gần như tất cả mọi thứ từ bao bì thực phẩm, chai nhựa, màng chất dẻo cho đến túi ni lông.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong các đại dương cứ 3 tấn cá sẽ có 1 tấn rác thải nhựa tính đến năm 2025 và nhựa nhiều hơn cá vào năm 2050. Chính vì vậy, các nhà khoa học tìm ra một cách biến rác thải nhựa thành nhiên liệu diesel có thể dùng để chạy nhiều phương tiện và động cơ.

Tin cùng chuyên mục