
* Tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD của người dân Mỹ
5 giờ 30 phút sáng 20-3-2003, những đợt tấn công đầu tiên của chiến dịch “Iraqi Freedom” làm rung chuyển Baghdad. Đúng 5 năm sau, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống George W.Bush của dân chúng Mỹ đã giảm tới mức thấp kỷ lục, chỉ còn 31%. Cũng nhân dịp tròn 5 năm ngày Mỹ tấn công Iraq, nhiều nơi trên thế giới biểu tình phản chiến.
Kết quả mờ nhạt
Từ hơn 1 năm nay, chính quyền Mỹ ra sức ca ngợi các kết quả khả quan từ chiến lược mới ở Iraq. Chỉ huy các đội quân Iraq cũng tuyên bố bạo lực đã giảm 50% trên cả nước. Tuyên bố ngừng bắn đơn phương của thủ lĩnh trẻ người Shiite M.Sadr; thỏa thuận ký giữa Mỹ và các bộ lạc Sunni chống Al Qaeda; hàng trăm ngàn cảnh sát, binh sĩ Iraq được huấn luyện; chính trị được cải thiện… là những gì Mỹ khẳng định là thành công của cuộc chiến.
Nhưng việc đô đốc William Fallon, chỉ huy chịu trách nhiệm các cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, từ chức cách đây 1 tuần đã khơi lại các tranh cãi về tính hiệu quả của chiến dịch Mỹ đang tiến hành ở Iraq.
Hậu quả nặng nề

Đánh bom tự sát ở Iraq thường xuyên xảy ra và tăng mạnh từ đầu năm 2008. Các con số thống kê cho thấy có khoảng 1,2 triệu người Iraq thiệt mạng từ tháng 3-2003. 5 năm qua, Mỹ đã mất khoảng 4.000 binh sĩ, 29.000 binh sĩ bị thương trên chiến trường Iraq mà vẫn chưa kiểm soát được đất nước này.
Cuộc chiến đã làm Mỹ tiêu tốn khoảng 500 tỷ USD và làm giá dầu tăng gấp 4 trong vòng 5 năm. Mặc dù Mỹ đã đổ vào hàng tỷ USD khai thác, sản lượng dầu của Iraq (vốn đứng thứ 3 trên thế giới trước năm 2003) vẫn chưa thể nào đạt được mức như hồi trước cuộc chiến.
Người dân Baghdad chỉ được dùng điện 4-6 giờ/ngày. Trên cả nước, 70% người dân không có nước sạch sử dụng. Khoảng 4,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, trong đó 2 triệu người phải sang tỵ nạn tại các quốc gia láng giềng, trở thành “đợt di dân lớn nhất” trong lịch sử kể từ khi tách Ấn Độ và Pakistan năm 1947.
3/4 trong số khoảng 26 triệu dân Iraq mong muốn Mỹ và liên quân rút hết ngay lập tức khỏi đất nước mình. Nhà kinh tế đoạt giải Nobel, Joseph Stiglitz, ước tính số tiền Mỹ phải đổ vào cuộc chiến lên tới 3.000 tỷ USD.
Vũ khí phá hủy hàng loạt - nguyên nhân phát động cuộc chiến - chưa bao giờ được tìm thấy. Gần đây nhất, báo cáo hôm 12-3 của Lầu Năm góc thừa nhận không tìm thấy mối liên hệ giữa ông Saddam Hussein và Al Qaeda. Trong khi đó, số vũ khí hiện có ở Iraq nhiều gấp mấy lần so với cách đây 5 năm và thành phần cực đoan từ các nước láng giềng thâm nhập vào tăng lên.
Nghiêm trọng hơn, cuộc chiến đã làm thức dậy lòng hận thù giữa người Shiite và Sunni không chỉ ở Iraq mà ở cả khu vực Trung Đông…
Ngày 20-3, khắp các thành phố lớn của Mỹ như Chicago, Los Angeles, San Francisco…, hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ yêu cầu chính phủ Mỹ chấm dứt cuộc chiến, rút hết quân khỏi Iraq. Tại Washington, hàng trăm binh sĩ đeo mặt nạ đã tham gia “tuần hành vì cái chết” để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong cuộc chiến (ảnh). Cảnh sát đã bắt giữ gần 200 người biểu tình phản chiến.
Về phần mình, Tổng thống Bush khẳng định không hối tiếc gì cả, thành công ở Iraq là không thể phủ nhận. Iraq cũng nổi lên thành một đề tài chính trị nóng bỏng ngay cả trong chiến dịch tranh cử của các ứng cử viên tổng thống Mỹ.
TNS John McCain, người đã cầm chắc tấm vé ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tuyên bố ủng hộ việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq, trong khi cả hai TNS Barack Obama và Hillary Clinton, đang tranh ghế ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ, lại ủng hộ phương án nhanh chóng rút quân về nước. Cả hai ứng cử viên cũng nêu rõ cuộc chiến Iraq đã “cướp” đi hơn 1.000 tỷ USD của những người đóng thuế ở Mỹ.
LÊ VÂN (Tổng hợp)