ISO cũng… ì ạch

ISO cũng… ì ạch

(SGGP).- Nhằm thực hiện mục tiêu đơn giản hóa, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thời gian qua nhiều quận - huyện và sở ngành của TPHCM đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2000 (tiêu chuẩn ISO) trong quản lý hành chính. Tuy nhiên, qua khảo sát tại một số nơi cho thấy, có đến hơn 80% các loại thủ tục hành chính bị chậm về thời gian giải quyết khi áp dụng tiêu chuẩn ISO!

Quy định 30 ngày, giải quyết... 380 ngày

Tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng UBND quận Bình Tân TPHCM. Ảnh: H.N

Tiếp nhận hồ sơ tại Văn phòng UBND quận Bình Tân TPHCM. Ảnh: H.N

Sở Xây dựng là một trong những sở ngành đầu tiên của TPHCM áp dụng tiêu chuẩn ISO trong giải quyết các thủ tục hành chính. Cách đây vài năm, khi thấy người dân và doanh nghiệp “kêu” về chậm trễ thời gian khi giải quyết các hồ sơ liên quan đến nhà đất, Ban Chỉ đạo 6 (2) của Thành ủy lúc bấy giờ được giao nhiệm vụ “kiểm tra đột xuất” một số hồ sơ không mấy phức tạp để tìm nguyên nhân. Vụ việc khiếu nại của ông T. (ở đường Lê Quý Đôn, quận 3) được chọn ngẫu nhiên.

Qua kiểm tra đã phát hiện hồ sơ của ông T. bị “ngâm” không có ngày giải quyết. Theo quy trình tiêu chuẩn ISO được thể hiện qua “Bản quản lý và giám sát quá trình xử lý văn bản” với ngày nhận hồ sơ ghi: 26-5-2004, ngày chuyển: 28-5-2004, nơi chuyển: Văn phòng UBND TP, nơi nhận: Sở Xây dựng. Sau khi nhận được hồ sơ chuyển lên, Giám đốc sở đã bút phê giao Phòng Quản lý nhà thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, hồ sơ của ông T. sau đó được “kính chuyển” qua lại giữa Phòng Quản lý nhà và Phòng Cấp chủ quyền nhà, và “nằm” luôn không một lời phản hồi. Hỏi ra, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng không biết hồ sơ “nằm” ở đâu và chỉ khi ông T. khiếu nại lên UBND TP, mới được “móc” ra xem xét giải quyết, với thời gian tổng cộng là gần 100 ngày.

Tại quận Bình Thạnh, qua “kiểm tra đột xuất” 63 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, đã phát hiện có đến 53 hồ sơ giải quyết trễ hạn (chiếm 84,13%). Theo quy trình của tiêu chuẩn ISO, việc cấp các loại giấy chứng nhận trên được quy định từ lúc tiếp nhận hồ sơ đến lúc ra quyết định chỉ trong vòng 30 ngày. Thế nhưng, có nhiều hồ sơ chậm đến cả năm mới được giải quyết.

Đơn cử như hồ sơ của bà Vũ Ngọc Dung, biên nhận đề ngày 18-4-2007, cán bộ thụ lý “nghiên cứu” đến 186 ngày mới trình đề xuất giải quyết, khi ra được quyết định mất tổng cộng 352 ngày. Các trường hợp của ông Nguyễn Anh, Nguyễn Thu Khanh, Phạm Văn Chương…, thời gian “nghiên cứu” hồ sơ cũng mất gần 200 ngày. Cộng chung cho thời gian giải quyết một bộ hồ sơ như của ông Phạm Văn Chương mất đến… 380 ngày (hơn 1 năm).

Chậm do cơ chế phối hợp?

Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc thúc đẩy tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính thông qua thực hiện tiêu chuẩn ISO, song quận Bình Tân hiện được coi là địa phương quá tải về hồ sơ nhà đất. Năm 2009, quận đề ra mục tiêu cấp giấy chứng nhận nhà, đất cho 15.000 hồ sơ. Nhưng đến nay, số hồ sơ hoàn thành mới chỉ đạt hơn 50%, trong đó hồ sơ quá hạn giải quyết chiếm một tỷ lệ khá lớn.

Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Thanh Huân, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường quận Bình Tân, cho rằng chủ yếu do cơ chế phối hợp giữa phường và quận chưa có sự thống nhất ngay ở khâu tiếp nhận. Có nhiều hồ sơ khi chuyển lên đến quận mới phát hiện thiếu, sau đó lại “dội” về bổ sung, gây chậm trễ cho người dân. Hiện 10 phường trong quận đã thực hiện liên thông trong việc cấp giấy chứng nhận nhà, đất, song do lượng hồ sơ quá lớn nên không tránh khỏi quá hạn.

Tại quận Bình Thạnh, qua kiểm tra phát hiện phần lớn hồ sơ không có phiếu kiểm soát quá trình giải quyết cấp giấy chứng nhận, tờ trình đề xuất không thể hiện thời gian thực hiện ở từng công đoạn nên không xác định được hồ sơ giải quyết chậm là do lỗi ở bộ phận nào để quy trách nhiệm.

Trong khi nhiều hồ sơ bị chậm về thời gian, lại có trường hợp “đặc biệt” dù chưa có chữ ký trong phiếu chuyển sang chi cục thuế để nộp thuế nhà đất, nhưng chỉ một vài ngày sau khi tiếp nhận đã được ký giấy chứng nhận - tức nhận giấy chứng nhận trước, đóng thuế sau (!?)…

Về chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính tại Sở Xây dựng, có nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó tập trung chủ yếu do cán bộ tham mưu thiếu tinh thần trách nhiệm. Mặc dù quy trình theo tiêu chuẩn ISO xác định rất rõ trách nhiệm của từng khâu, từng cán bộ, song vẫn còn tình trạng chuyển hồ sơ lòng vòng, hoặc báo cáo không trung thực, cụ thể vụ việc để đề xuất hướng giải quyết rốt ráo.

Còn một nguyên nhân khác không nói ra nhưng ai cũng biết, đó là tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức vẫn còn và nó đang gây cản trở cho quá trình thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cũng như tạo nên hình ảnh không tốt trong con mắt người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục