ITP sẵn sàng cho Khu đô thị sáng tạo phía Đông

Đón đầu việc hình thành Khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM, từ năm 2013, nhóm tác giả gồm PGS-TS Nguyễn Anh Thi, TS Trương Minh Huy Vũ, Th.S Lê Nhật Quang; cử nhân Lê Thị Mỹ Nhiên thuộc Khu Công nghệ Phần mềm Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM (ITP) đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ITP làm tiền đề thúc đẩy phát triển khu đô thị sáng tạo. 
Giảng viên ITP đang trình bày dự án lớp học Công nhân tích cực. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Giảng viên ITP đang trình bày dự án lớp học Công nhân tích cực. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Vai trò không thể thiếu của ITP 

“ITP đã triển khai xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ trong lòng đại học từ năm 2013 với các kết quả vượt mong đợi, đáp ứng các chương trình của Chính phủ và TPHCM. Hơn nữa, ITP là mô hình khu công viên khoa học chuyên đề về lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) nằm trong lòng đại học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam”, PGS-TS Nguyễn Anh Thi cho biết. 

ITP được thành lập theo Quyết định số 157/QĐ/ĐHQG/TCCB ngày 2-5-2003 của Giám đốc ĐHQG TPHCM với nhiệm vụ tạo môi trường thuận lợi giúp tăng cường sự gắn kết giữa đào tạo, nghiên cứu và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ phần mềm nói riêng và lĩnh vực CNTT-TT nói chung. Chính vì thế, ITP hướng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNTT; phát triển các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến cao gắn với CNTT; phát triển các sản phẩm và dịch vụ CNTT với ưu tiên công nghệ phần mềm.

TPHCM đã xác định xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông vì khu vực phía Đông thành phố hiện có khu ĐHQG với 18 ĐH thành viên và viện nghiên cứu; Khu Công nghệ cao giai đoạn 1 và 2 khoảng 1.066ha với 13 tập đoàn, công ty lĩnh vực công nghệ cao; Trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657ha và các khu công nghiệp, khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.

Như vậy, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ kết nối chặt chẽ và hiệu quả 3 chức năng: Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng KH-CN, trung tâm giáo dục - đào tạo nhân lực có trình độ, chất lượng cao và trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao. Trong các đánh giá, TPHCM chỉ ra, từ khu đô thị này sẽ hình thành chuỗi giá trị gia tăng (từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của ITP là không thể thiếu. 

Ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, cho biết: Mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay của ITP tập trung vào phát triển nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm trung tâm cho hoạt động hỗ trợ. Mô hình này có môi trường thuận lợi để phát triển nhờ sự gắn kết với các cơ quan nghiên cứu thuộc ĐHQG TPHCM và Khu Công nghệ cao TPHCM, nhằm nhanh chóng hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu phát triển, hình thành các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có tiềm năng. Hoạt động liên kết với các trường ĐH uy tín trên thế giới nhằm xây dựng hệ thống giáo trình đào tạo chuẩn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho TPHCM mà ITP đang chuẩn bị cũng là một điểm rất tâm đắc.

Xây dựng mô hình chuẩn về hoạt động

Để thực hiện được mục tiêu trên, ITP đã bảo đảm các điều kiện về cơ chế, hạ tầng tiện ích, hạ tầng CNTT-TT và dịch vụ hỗ trợ nhằm đảm bảo một môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp tập trung phát triển hoạt động cốt lõi của mình. Song song đó là xây dựng một mạng lưới các bên liên quan như ĐH, viện nghiên cứu, các quỹ đầu tư và đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, để cung cấp các dịch vụ tốt nhất cho doanh nghiệp.

“Thế mạnh của ITP là nằm trong Khu đô thị ĐHQG TPHCM, nơi tập trung mật độ cao nguồn nhân lực chất lượng cao, một lợi thế, một điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp mà không phải ở đâu cũng có được”, PGS-TS Nguyễn Anh Thi cho biết thêm. 

“Cùng với Công ty TNHH MTV Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC), ITP là thành viên sáng lập chuỗi Công viên phần mềm QTSC, cho nên ITP và QTSC có mối quan hệ mật thiết với nhau. “Vai trò và nhiệm vụ của ITP trong chuỗi QTSC được xác định những lợi thế sẵn có: Tập trung ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT-TT thông qua mô hình phức hợp giữa Trung tâm thúc đẩy và Trung tâm ươm tạo trong doanh nghiệp; tiếp nhận chuyển giao, trình diễn, quảng bá công nghệ mới cho các chuỗi; đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ chuỗi. Đặc biệt đây là nơi  đào tạo nhân lực chất lượng cao (trong lĩnh vực quản trị, nghiên cứu và phát triển) cho chuỗi, giúp đa dạng hóa mô hình phát triển CNTT của thành phố, góp phần thực hiện xây dựng chính quyền điện tử của TPHCM. Đây là mô hình phù hợp với lợi thế năng lực của ITP”, ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc QTSC, nói.

Qua quá trình hoạt động, tổng số công ty khởi nghiệp/dự án đã được hỗ trợ từ năm 2014 đến nay là 57; trung bình hỗ trợ 15 công ty khởi nghiệp/năm. ITP đã có được một số công ty khởi nghiệp kêu gọi thành công vốn ban đầu và các sản phẩm đã đưa ra thị trường, như Startup MimosaTek (tháng 9-2014) với định giá tương ứng 23 tỷ đồng; Gcall (tháng 8-2016) với 46 tỷ đồng; iNutFatform (tháng 9-2018) với 23 tỷ đồng; VSN Academy (tháng 9-2018) với 7,5 tỷ đồng; Shub (tháng 9-2018) với 6 tỷ đồng… và hàng chục startup khác không công bố định giá. Song song đó là hàng trăm lượt đào tạo, huấn luyện, cuộc thi… đều hướng đến việc hỗ trợ cho các bạn trẻ, nhà sáng lập, các startup.  

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo TPHCM (Saigon Innovation Hub - SIHUB), nhận xét: “Điểm nổi bật ở ITP là đã xây dựng được mô hình chuẩn về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong môi trường ĐH, giúp các địa phương nghiên cứu, học tập. ITP đóng góp vai trò quan trọng trong việc hình thành, thay đổi nhận thức cũng như đào tạo cán bộ làm chính sách tại địa phương; giúp các cán bộ hiểu đúng về khởi nghiệp để xây dựng chính sách điều hành kinh tế vĩ mô về khởi nghiệp. Qua hoạt động đã thực hiện, ITP từng bước khẳng định vai trò là nơi đào tạo nhân lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp khu vực phía Nam”.  

Ông Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐHQG TPHCM, cho rằng, đến nay tại ITP đã căn bản hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đúng nghĩa. ĐHQG TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2020, ITP sẽ trở thành hệ sinh thái khởi nghiệp năng động ở phía Đông TPHCM, là nơi tập trung của khoảng 100 doanh nghiệp khởi nghiệp, với 2.000 việc làm và là nơi thực tập, học tập của 2.000 sinh viên mỗi năm.

Tin cùng chuyên mục