
Trong nửa đầu năm 2015, tệ nạn mất trộm thiết bị hạ tầng kỹ thuật đô thị tuy vẫn còn xảy ra đây đó nhưng cũng đã giảm đi rất nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng loạt quả cầu bằng inox của dải phân cách trên đường Phạm Hùng, quận 8 bị tháo mất.
Cái gì cũng mất
Bất kể là dây điện chiếu sáng công cộng, nắp hố ga, cửa chắn rác hay bó vỉa cây xanh, miễn có thể bán ve chai được thì đều trở thành “món hàng hấp dẫn” trong mắt một số thành phần bất hảo. Có thể nói hầu hết các vụ trộm cắp trang thiết bị hạ tầng kỹ thuật trong thời gian qua đều xảy ra ở địa bàn các huyện ngoại thành hoặc các quận mới xa trung tâm thành phố như quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, huyện Hóc Môn... Bà Huỳnh Thị Nga, Phó giám đốc Khu Quản lý Giao thông Đô thị (QLGTĐT) số 3 thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, nhận xét, thời điểm dễ xảy ra trộm cắp là lúc đêm hôm khuya khoắt hoặc trời tờ mờ sáng khi mọi người đang chìm trong giấc ngủ.
Phó giám đốc Khu QLGTĐT số 2 Trần Sỹ Thắng chỉ ra một đặc điểm khác đáng chú ý không kém. Đó là qua các vụ trộm cắp đã bị phát hiện xử lý, lực lượng Công an các quận huyện ghi nhận toàn bộ những kẻ trộm cắp vật tư, thiết bị hạ tầng kỹ thuật đều là các đối tượng không nghề nghiệp, trong đó không ít thủ phạm là con nghiện.
Thiệt hại từ những vụ cắt trộm này gây ra hậu quả rất nặng nề khi hệ thống viễn thông, hệ thống chiếu sáng ở địa phương bị vô hiệu hóa.

Một trụ nước cứu hỏa bị tháo mất nắp. (Ảnh chụp tại quận 2).Ảnh: CAO THĂNG
Cần giải pháp đồng bộ
Trước tình hình này, một số biện pháp kỹ thuật đã được các cơ quan chức năng triển khai áp dụng. Có thể nhắc đến những biện pháp như cột chặt dây nguồn chiếu sáng vào đầu trụ bê tông, lấy nhiều đoạn dây cáp thép ngắn buộc chặt thêm vào các móc đỡ dây tại các đầu trụ bê tông, tiếng chuyên môn gọi là “nóp dây”; lắp thử nghiệm ở một số nơi hệ thống báo động bằng điện tử: khi kẻ trộm cắt trộm dây, còi sẽ tự động hú vang đồng thời báo tin đến số điện thoại đã được cài đặt sẵn; ngầm hóa bê tông hệ thống dây hạ tầng kỹ thuật…
Trong các biện pháp ấy, cách ngầm hóa hệ thống dây cáp được nhiều người xem là an toàn nhất, hiệu quả nhất và trong thực tế, đúng là ở những đoạn, những nơi đã ngầm hóa thì hoàn toàn không còn xảy ra nạn cắt trộm nữa. Thế nhưng hạn chế lớn nhất của biện pháp này là đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thường gấp khoảng 3 - 3,5 lần so với dây kéo nổi. Trong khi đó, ngành cây xanh đã thí điểm làm vỉ bó vỉa cây xanh bằng nhựa cứng không thể tái chế để bọn trộm không thể lấy cắp. Còn ngành điện thậm chí tổ chức một xí nghiệp chuyên tuần tra giám sát, thường xuyên phối hợp cùng các phường xã, ngành giao thông lập tổ tuần tra. Ngành điện cũng đã thí điểm lắp hệ thống cảnh báo khi có đường dây bất kỳ bị cắt để kịp thời ngăn chặn. Còn nhớ cách đây chưa lâu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã yêu cầu các ban, sở, ngành và chính quyền các quận huyện toàn thành phố tăng cường công tác quản lý, phòng chống mất cắp tài sản công thuộc các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn. Ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm tổ chức quản lý và bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phân cấp trên địa bàn quản lý, phải thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định và chịu trách nhiệm trước UBND cấp trên nếu không hoàn thành nhiệm vụ.
Có lẽ nhờ những giải pháp đa dạng và khá đồng bộ ấy, nửa đầu năm 2015 tình trạng mất trộm hạ tầng kỹ thuật đô thị công cộng tuy vẫn còn xảy ra đây đó nhưng đã có sự ghi nhận tụt giảm đáng kể. Thống kê trên địa bàn các quận huyện do Khu QLGTĐT số 4 quản lý như các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, trong 6 tháng đầu năm nay đã kéo giảm 51% khối lượng vật tư hạ tầng chiếu sáng công cộng, con số mất trộm đã tụt xuống còn 494m cáp nguồn chiếu sáng.
Thiện Nhân