Kết quả Olympic không đồng nghĩa với chất lượng giáo dục quốc gia

Kết quả Olympic không đồng nghĩa với chất lượng giáo dục quốc gia

L.T.S: Thành tích của các trường chuyên trong 30 năm qua là rất lớn, nổi bật là việc tạo ra nhiều lớp học sinh giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, mang lại niềm vinh dự cho giáo dục nước nhà.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc đào tạo của trường chuyên “chứng tỏ học sinh nước ta có khả năng học lên cao được, chứ không chứng tỏ học sinh đó sẽ trở thành nhà khoa học hay nhân tài và cũng không chứng tỏ nền giáo dục nước ta có chất lượng ngang hoặc cao hơn thế giới”. Có nhiều cách nhìn về trường chuyên, về đào tạo “gà chọi”.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của bạn đọc Nguyễn Thế Long (Hà Nội) vừa gởi cho Trang Giáo dục-Phát triển.

Có nên đặt vấn đề đào tạo học sinh đi thi lấy các giải Olympic quốc tế là mục tiêu của các trường chuyên không? Phải thẳng thắn thừa nhận những trường chuyên là trường dạy và học lệch. Học sinh học chuyên một môn nào thì chỉ chú trọng môn đó, số tiết học trong một tuần dành cho môn chuyên gấp nhiều lần các môn khác.

Kết quả Olympic không đồng nghĩa với chất lượng giáo dục quốc gia ảnh 1

Học sinh Trường THCS chuyên Hồng Bàng quận 5 thực hành thí nghiệm hóa học. 

Những môn không chuyên bị coi rất nhẹ, học lệch, đối phó; giáo viên dạy các môn không chuyên rất khó chịu, nhiều khi châm chước cho xong, do vậy sự phát triển kiến thức phổ thông không đều, giáo dục không toàn diện, những kiến thức về các môn học khác rất yếu, đặc biệt là những kiến thức xã hội và nhân văn.

Phương pháp giảng dạy và học tập ngay môn chuyên nhiều khi chỉ là nhồi nhét tiểu xảo, “luyện gà chọi”, “thợ làm bài” để lấy điểm cao. Học lên đại học, nhiều học sinh được đào tạo theo kiểu này chỉ thành “người thợ cần cù”, tư duy mở lối, sáng tạo không được phát triển, khó có thể trở thành những nhân tài phát minh sáng tạo được cái gì cho khoa học và nhân loại.

GSTSKH Nguyễn Đăng Hưng, ĐH Liège, Bỉ, đã giảng dạy ở nhiều trường ĐH danh tiếng trên thế giới, người được mệnh danh là chở “chất xám” về VN đã tâm sự: “Tôi rất ngạc nhiên có những người đánh giá tình trạng chất lượng GDVN qua những thành quả Olympic quốc tế. Tuy tôi rất trân trọng thành quả này, nhưng tôi được biết các em tham gia Olympic quốc tế là những gà nòi được nuôi dưỡng dài hạn ở những địa điểm đặc biệt nhờ các chuyên gia đặc trách. Thành quả như vậy làm sao có tính tiêu biểu?”

GS Phạm Trọng Văn đang dạy ĐH ở Australia đã nói: “Xuất phát từ lương tâm của một người đã 20 năm đứng trên bục giảng, có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nền giáo dục khác nhau trên thế giới và có dịp tiếp xúc với nhiều em được giải cao trong các kỳ thi quốc tế thì thấy sức học của các em đó ở ĐH không còn ở mức cao nữa, có nhiều em còn đứng ở vị trí trung bình. Khi ra trường ít em giành được vị trí quan trọng trong xã hội cũng như nghiên cứu khoa học. Nguyên nhân là các em bị quá tải khi học phổ thông và các em không được giáo dục ý thức tự học, tự độc lập suy nghĩ…”.

Tiến sĩ KH Vật lý hạt nhân Nguyễn Đình Đăng - tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Mátxcơva năm 1982, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1989, nghiên cứu khoa học ở Đức và Ý năm 1992-1993, từ 1994 đến nay nghiên cứu tại Viện khoa học Nhật Bản mang tên Riken, về nước dự Diễn đàn Vật lý châu Á - Thái Bình Dương tháng 10-2004 - đã nói: “Tôi phản đối việc “luyện gà chọi”, duy trì “lớp chọn trường chuyên”. Học sinh phổ thông phải được phát triển toàn diện.

Ông Hower Gandner, giáo sư Đại học Harvard cho rằng đào tạo con người toàn diện phải đào tạo đủ 7 tri thức: toán học, ngôn ngữ, âm nhạc…Khi đó học sinh ra đời mới có thể chủ động tự tin, biết mình muốn gì, có thể phát huy được điểm mạnh của bản thân…”.

Hãy xem nhiều nước không có học sinh nào đoạt các giải thi Olympic nhưng khoa học kỹ thuật vẫn phát triển vào hàng đầu thế giới, mỗi năm công bố đến mấy nghìn sáng chế phát minh đóng góp cho khoa học thế giới, có đến 2/3 số người đoạt giải Nobel. Họ đâu có tổ chức những trường chuyên từ bậc học phổ thông.

Việc phát hiện và đào tạo nhân tài cần được thực hiện ngay từ thuở nhỏ, trước hết trong một nền giáo dục đại trà tiến bộ, từ cấp tiểu học đến đại học, thông qua các chương trình, nội dung giáo dục toàn diện, phương pháp giảng dạy phù hợp. Dạy những gì và dạy như thế nào trong nhà trường để học sinh phát triển toàn diện, đó là việc có tầm quan trọng lâu dài của chiến lược giáo dục một quốc gia.

Khoa học công nghệ phát triển là bước tiến chung của cả thế giới, không có mặt bằng riêng cho từng quốc gia, vì vậy chỉ những nhà khoa học có phát minh và được thế giới công nhận thì mới xứng đáng là nhân tài khoa học (không có nhân tài cấp quốc gia). Còn đối với những người được giải Nobel thì thật sự họ là tinh hoa của nhân loại, vượt lên trên các nhân tài, cũng là mơ ước đi tới của con cháu chúng ta sau này.

Các nhà khoa học và nhân tài chỉ có thể xuất hiện từ một nền giáo dục có chất lượng. Giáo dục ở nước ta hiện lạc hậu nhiều so với khu vực và thế giới, đang lúng túng, vá víu, cải cách đi cải cách lại, chưa có chiến lược lâu dài khả thi cho một hệ thống giáo dục đại trà thì khó ươm mầm sản sinh những chồi non nhân tài khoa học, hoặc có nhân tài thì cũng bị thui chột. Không thể có nhân tài khi không xây đắp nền giáo dục phổ thông và đại học có chất lượng.

Bức xúc hiện nay là phải chấn hưng nền giáo dục trong nước từ phổ thông đến đại học, đáp ứng những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, thoát khỏi tình trạng lạc hậu so với giáo dục các nước trong khu vực. Còn với các trường chuyên, nên xem xét kỹ việc có nên tồn tại không và nếu tồn tại thì nên xem xét nội dung và phương pháp giảng dạy cũng như mục đích đề ra vì mục đích đào tạo nhân tài lâu dài chớ không thể đồng nghĩa với mục đích đoạt giải Olympic. 

NGUYỄN THẾ LONG (Ba Đình, Hà Nội)

Tin cùng chuyên mục