Kết thúc kỳ thi đại học đợt 1, năm 2012 - An toàn, nghiêm túc

* 3.305 thí sinh bỏ thi môn cuối* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Hoàn toàn không có chuyện lộ đề* Gần 100 thí sinh “chết” do ĐTDĐ
Kết thúc kỳ thi đại học đợt 1, năm 2012 - An toàn, nghiêm túc

* 3.305 thí sinh bỏ thi môn cuối
* Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Hoàn toàn không có chuyện lộ đề
* Gần 100 thí sinh “chết” do ĐTDĐ

Báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT về đợt thi ĐH đầu tiên cho thấy, trong đợt 1, tổng số 869.233 thí sinh (TS) đăng ký dự thi. Tuy nhiên, số TS dự thi và tỷ lệ dự thi so với số đăng ký dự thi đạt thấp hơn. Cụ thể, buổi thi Toán có 662.096 TS dự thi, đạt tỷ lệ 76,17%; đến buổi thi Vật lý nhiều em bỏ thi, chỉ có 660.553 TS thi; buổi thi Hóa học, tiếng Anh chỉ còn 658.791 TS. Như vậy, có 3.305 TS bỏ thi môn cuối. Bộ GD-ĐT cho biết tỷ lệ TS dự thi tuyển sinh ĐH hệ chính quy đợt 1 năm 2012 tương đương cùng kỳ năm 2011.

Cán bộ coi thi vi phạm giảm

Bộ GD-ĐT nhận định đề thi theo đánh giá chung ban đầu có nội dung nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không có sai sót cả về nội dung lẫn hình thức và có khả năng phân loại TS. Các hội đồng tuyển sinh đã tích cực chuẩn bị và nghiêm túc triển khai công tác coi thi. Nhìn chung, Quy chế thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đã được nghiêm túc quán triệt thực hiện. Tại các Hội đồng thi, không khí trường thi trật tự, an toàn, các vi phạm Quy chế tuyển sinh được phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm và nghiêm minh.

Thí sinh dự thi vào Trường Đại học Kinh tế TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Vật lý. Ảnh: Mai Hải
Thí sinh dự thi vào Trường Đại học Kinh tế TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Vật lý. Ảnh: Mai Hải

Trong cả 3 buổi thi toàn quốc 2 cán bộ bị xử lý kỷ luật đình chỉ, giảm 4 trường hợp so với đợt 1 năm 2011. Sai sót trong công tác coi thi của 2 cán bộ coi thi tại phòng thi số 333, điểm thi THPT Dân lập Nguyễn Trường Tộ thuộc cụm thi Vinh, Nghệ An. 2 giám thị này ký nhầm vào ô chữ ký của giám khảo.

Đánh giá sơ bộ của bộ cho thấy, đợt 1 Kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 với các khối thi A, A1 và V đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Đợt thi được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, được tổ chức nghiêm túc trên phạm vi toàn quốc. Kỷ cương trường thi được tăng cường, các trường hợp vi phạm quy chế thi bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc.

Môn thi cuối dễ thở hơn

Sáng qua, hoàn thành 90 phút trắc nghiệm đề thi Hóa học (TS khối A) và tiếng Anh (khối A1), TS thở phào kết thúc 3 môn thi. Riêng đề thi môn Hóa học được nhiều TS nhận xét dễ thở hơn một chút so với đề Vật lý. Nhiều TS nhận định, đề thi năm nay không dài, tập trung trong chương trình đã học ở THPT, đặc biệt không đánh đố TS.

“Kiến thức của đề thi trải đều ở cả phần hữu cơ và vô cơ. Trong đó, phần bài tập khó hơn lý thuyết rất nhiều”, TS Nguyễn Quang Phương, dự thi tại hội đồng thi ĐH Công Nghiệp TPHCM cho biết.

Các thí sinh sau giờ thi môn tiếng Anh tại Hội đồng thi Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mai Hải
Các thí sinh sau giờ thi môn tiếng Anh tại Hội đồng thi Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mai Hải

Trong khi đó, TS Quang Đạt dự thi vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng, đề Hóa học năm nay dễ hơn năm ngoái, các câu đều quen thuộc và không có yếu tố bất ngờ. Những câu khó tập trung ở phần Hydrocacbon, phản ứng giữa kim loại với muối, este nhưng không nhiều. Đạt cho biết chắc chắn đúng khoảng 70%. Tuy nhiên, cũng tại hội đồng thi này, TS Thanh Diễm lại than thở: “Môn Hóa học không dễ, em phải đánh lụi gần một nửa. Trong đó có nhiều câu rất lạ về loại quặng xinvinit. Phòng thi của em có nhiều bạn cũng gặp tình trạng tương tự. So với Toán và Vật lý, các bạn trong phòng em không ra sớm mà ở lại đến phút thi cuối cùng”.

Tại điểm Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia, TS Trần Công Thành, Trường THPT Hải Hòa, Hải Hậu, Nam Định cho biết đề Hóa học có 50 câu, khá dài và có tính phân loại cao, nhìn chung vừa sức TS hơn so với đề Vật lý vừa dài, vừa khó.

Đối với môn tiếng Anh khối A1, nhiều TS hài lòng với đề thi. TS Nguyễn Thị Thúy (Thái Bình) cho rằng đề tiếng Anh của khối A1 dễ hơn đề khối D mọi năm. TS Thúy Hiền (Hoài Đức - Hà Nội) dự thi vào ĐH Thủy lợi cũng nhận định đề tiếng Anh năm nay của khối A1 vừa sức và dự kiến em đạt 6-7 điểm.

Gần 100 thí sinh “chết” do ĐTDĐ

Trong cả 3 buổi thi đợt 1, toàn quốc có 129 TS vi phạm bị xử lý kỷ luật, tăng 3 trường hợp so với cùng kỳ 2011 (khiển trách 27; cảnh cáo 6; đình chỉ 92 và 4 TS đến muộn không được dự thi). Trong đó, gần 100 TS bị đình chỉ thi chủ yếu do lỗi mang điện thoại di động (ĐTDĐ) vào phòng. Đây là lỗi phổ biến của TS dự thi qua nhiều năm và đã được cảnh báo rất nhiều lần, nhưng dường như TS vẫn vi phạm nên chịu thiệt thòi.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, nhiều em bị “chết oan” do mang điện thoại vào vì sợ mất; nhiều em mang vào nhưng tắt máy; nhiều TS gần hoàn tất kỳ thi thì bị đình chỉ do điện thoại báo thức. Tại ĐH Hàng Hải (đơn vị tổ chức cụm thi tại Hải phòng), ông Nguyễn Đức Trọng, trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết trong buổi thi môn Hóa học,  khi giám thị thu bài của TS, phát hiện 2 em mang điện thoại. “Theo quy chế vẫn phải đình chỉ, dù các em tắt máy, đã hoàn thành xong bài thi. Rất đáng tiếc, các TS hết sức lưu ý điều này” - ông Trọng cảnh báo.

Trong buổi họp báo tổng kết đợt thi đầu tiên tại phía Nam, ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh phía Nam cho biết: Buổi thi sáng 5-7 ở khu vực phía Nam (tính từ Huế trở vào), có 13 TS bị đình chỉ thi và phần lớn do mang ĐTDĐ. Cụ thể, tại điểm thi Trường THCS Kim Đồng, hội đồng thi Trường ĐH Sài Gòn có 1 TS mang ĐTDĐ bị phát hiện, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cũng có 4 TS bị đình chỉ vì ĐTDĐ. Cũng vi phạm ở lỗi này, ĐH Cần Thơ có 3 TS bị đình chỉ. Các trường còn lại như ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Giao thông vận tải TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 (Q.9, TPHCM)... đều có TS bị đình chỉ thi do mang ĐTDĐ.

Về lo lắng trước kỳ thi sẽ có nhiều TS mang thiết bị vào phòng thi với mục đích tố cáo gian lận, ghi nhận ở hầu hết các trường ĐH cho thấy không có hiện tượng này.

NHÓM PV



Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Hoàn toàn không có chuyện lộ đề

Ngay sau khi đợt thi ĐH thứ nhất kết thúc, chiều 5-7, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ 2012 đã trả lời báo chí những vấn đề đáng quan tâm.

- Phóng viên: Thông tin lộ đề Toán ở phía Nam đã được xử lý ra sao? Việc tung tin thất thiệt về đề thi năm nào cũng xảy ra, Bộ GD-ĐT có biện pháp nào để hạn chế?

Các thí sinh người dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận dự thi vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Hóa. Ảnh: MAI HẢI
Các thí sinh người dân tộc Chăm tỉnh Bình Thuận dự thi vào Trường Đại học Sư phạm TPHCM trao đổi sau giờ thi môn Hóa. Ảnh: MAI HẢI

- Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Bộ GD-ĐT, Bộ Công an đã làm rõ đây là thông tin bịa đặt. Đáp án tung lên mạng sau khi TS đã ra ngoài. Lời giải được bán trước cổng trường là lời giải của đề thi năm 2011. Nhân việc này, Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT yêu cầu lực lượng an ninh của các địa phương phối hợp chặt chẽ để ngăn chặn những hành vi tung tin thất thiệt, làm hoang mang dự luận và ảnh hưởng đến tâm lý TS. Những người bán lời giải, cơ quan an ninh đã xác minh làm rõ, còn người tung tin lên mạng thì đang xác minh. Chúng ta cũng đã có cơ chế để xử lý vấn đề này. Đề thi thuộc bí mật quốc gia, khi có thông tin thất thiệt sẽ làm mất nhiều thời gian không cần thiết và gây hoang mang dư luận và TS. Do đó, trong khâu chỉ đạo, chúng tôi chỉ đạo đề thi phải bảo mật tuyệt đối và an toàn, không có chuyện lộ đề trước khi TS được ra ngoài. Hành vi tung tin thất thiệt như thế, các cơ quan an ninh địa phương cần có biện pháp kịp thời xử lý.

- Thưa ông, ngay trước kỳ thi mấy ngày, Bộ GD-ĐT sửa đổi quy chế, trong đó khuyến khích TS tố cáo gian lận khiến các trường lúng túng. Điều này đã thể hiện như thế nào trong đợt thi vừa qua?

- Trong đợt 1 kỳ thi này, Bộ GD-ĐT đã tổ chức một số đoàn thanh tra lưu động và Ban chỉ đạo cũng tổ chức đi một số hội đồng. Qua đánh giá của các đoàn báo cáo về thi, kỳ thi năm nay được đánh giá nghiêm túc hơn mọi năm. Điều này chắc do đổi mới quy chế đã ảnh hưởng rõ rệt tâm lý của TS và người nhà.

Bộ cũng đã mở hộp thư điện tử, những ai có thông tin thì phản ánh và cứ 10 phút chúng tôi kiểm tra một lần nhưng chưa nhận được thông tin phản ánh nào về hiện tượng tiêu cực xảy ra. Sự minh bạch của kỳ thi này là TS cũng giám sát, người coi thi giám sát và cả xã hội giám sát, chúng ta thấy chất lượng kỳ thi được nâng lên và tính nghiêm túc của kỳ thi được đảm bảo. Qua kiểm tra 3 buổi thi vừa qua, đánh giá của đoàn thanh tra của Bộ GD-ĐT cho thấy kỳ thi này rất nghiêm túc.

- Thực tế, nhiều trường khá lúng túng trước điểm b của điều 25 quy chế về những vật dụng TS được phép và không được phép mang vào?

- Chuẩn bị cho đổi mới này, bộ đã làm từ lâu, đi kèm với các quy định trong đổi mới quản lý nói chung. Công văn và thông tư hướng dẫn chỉ để giám thị thực hiện, hoàn toàn không dính dáng đến TS. TS chỉ được mang vào phòng thi những vật dụng được khẳng định tại điểm c điều 25 của quy chế. Còn quy định trong thông tư này nhằm hướng dẫn giám thị khi phát hiện có TS mang những thiết bị như thế vào phòng thi. Trước đây nếu TS mang vào ngay lập tức sẽ bị đình chỉ thi, nhưng với quy chế mới, giám thị phải xem xét mục đích các em mang vào là gì, chức năng của thiết bị đó ra sao, TS sử dụng thông tin trong đó làm gì để phân biệt tiêu cực hay chống tiêu cực. Thực tế  cho thấy, qua ba môn thi đầu tiên, không có TS nào mang thiết bị đó vào phòng thi.

Chúng tôi đã lưu ý các trường cần quán triệt chủ trương khi TS ra khỏi phòng thi sớm, giám thị phải thu lại đề. Đợt 2 là kỳ thi rất dễ mang tài liệu vào nên các điểm thi phải kiểm tra rất chặt chẽ. Đợt 1 vẫn có nhiều TS mang điện thoại di động, nhiều em bị “chết oan” vì mang vào có thể không phải mục đích tiêu cực mà sợ mất. Các em cần nhớ dù có sử dụng hay không sử dụng đều bị đình chỉ. Do đó, đợt 2, Ban chỉ đạo tuyển sinh quán triệt các điểm thi nhắc nhở TS khi vào phòng thi phải bỏ điện thoại ra ngoài

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga


Đề tiếng Anh khối A1: Kiến thức trải đều

Đây là đề thi đầu tiên khối A1, tuy nhiên đề thi cũng trải đều tất cả theo cấu trúc đề bộ đã ban hành, từ ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng, kỹ năng đọc và kỹ năng viết. Một số câu có mức độ ngữ pháp nâng cao nếu TS không được rèn luyện kỹ về kỹ năng ngữ pháp khó có thể hoàn thành tốt bài thi được. Cụ thể, phần nhận lỗi sai (từ câu 1 - câu 5, mã đề 246): Tương đối dễ đối với các em có căn bản ngữ pháp. Tập trung ở kiến thức câu đảo ngữ, mệnh đề quan hệ. Phần hoàn thành câu (từ câu 6 - câu 33, mã đề 246): Rải đều các kiến thức như: câu cầu khiến (Causative form), câu đảo ngữ (Inversion), thì (tense), câu hỏi đuôi (tag-question). Tuy nhiên, phần từ vựng cần cẩn thận rải đều từ kiến thức lớp 10 đến lớp 12.

Phần đọc hiểu: Bài 1 (từ câu 34 - câu 43, mã đề 246) tương đối dễ, TS có thể làm được; Bài 2 (từ câu 44 - câu 52, mã đề 246) khó hơn bài 1 do nội dung trừu tượng TS có sự so sánh khi chọn giữa A và C.

Phần ngữ âm (từ câu 56 - câu 60, mã đề 246) tương đối đơn giản.

Phần tìm câu gần đúng nghĩa như câu đã cho (từ câu 61 - câu 70): Tương đối quen thuộc với các câu trong các đề khối D các năm trước. Trải đều kiến thức: câu trẻ (Clef-sentense), câu điều kiện, đảo ngữ.

Phần điền từ: Tương đối khó đối với những TS ít rèn luyện phần này. Tóm lại, đề thi năm nay phù hợp với yêu cầu tuyển sinh đại học, TS khá giỏi có thể đạt được 7 - 8 điểm.

  Thầy Phạm Tấn Hoàng (Trường THPT Vĩnh Viễn - TPHCM)


Đề thi môn Hóa học khối A: Mới và hay

So với đề thi năm trước, đề thi năm 2012 có số câu lý thuyết nhiều hơn (chiếm 56%) nhưng không phải vì thế mà mức độ nhẹ hơn so với mọi năm. Các câu lý thuyết hầu hết là các câu hỏi suy luận nên đòi hỏi TS  phải có tư duy tốt mới giải quyết đúng yêu cầu đề ra. Bên cạnh đó, các bài tập đều yêu cầu TS phải nắm chắc lý thuyết, nắm vững các định luật và có kỹ năng tính toán tốt mới giải quyết được.

Bên cạnh đó, một số ít dạng câu quen thuộc như thường thấy ở các đề thi đại học, đề năm nay đã xuất hiện những câu mới và hay hơn (ví dụ: câu 8, 9, 20, 34, 43 của mã đề 384). TS giỏi có thể đạt 9 điểm nhưng để đạt điểm tuyệt đối phải có học lực xuất sắc.

Ưu điểm của đề thi năm nay là đã có câu liên quan đến hóa học và đời sống xã hội - môi trường (câu 58. Mã đề 384) nên có sự gắn kết với thực tế.

Thầy Nguyễn Đình Độ (Trung tâm luyện thi ĐH Vĩnh Viễn - TPHCM) 


LÂM NGUYÊN ghi

>> Kết thúc kỳ thi ĐH-CĐ đợt 1: Cả nước có 129 thí sinh vi phạm

Tin cùng chuyên mục