Người dân ở quận 12, Gò Vấp (TPHCM) mệt mỏi khi hàng ngày lưu thông qua vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng vào giờ cao điểm, có hôm phải mất gần 1 giờ mới thoát khỏi khu vực này do kẹt xe.
Sáng ùn, chiều ứ
Vòng xoay đại lộ Phạm Văn Đồng - Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Bạch Đằng - Hoàng Minh Giám (quận Tân Bình, Gò Vấp TPHCM) được xây dựng hoàn chỉnh đưa vào sử dụng nhằm giải quyết tình trạng ùn ứ giao thông kinh niên tại đây. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng, giao thông tại đây không những không được cải thiện mà tình trạng ùn ứ lại trầm trọng hơn, trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia lưu thông qua khu vực này.
Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP vào sáng 25-4, tình trạng giao thông tại nhiều tuyến đường nối vào vòng xoay trên thường xuyên ùn ứ nghiêm trọng. Trên đường Nguyễn Kiệm, đoạn từ vòng xoay Nguyễn Oanh nối vào vòng xoay Phạm Văn Đồng, đoạn này dài hơn 1,3km, đường rộng, lưu thông một chiều, nhưng lúc nào cũng đông đúc. Người dân các quận ven như Gò Vấp, quận 12 đi vào các quận trung tâm thành phố thì thông qua đường này vào đường Hoàng Minh Giám, được xem là ngắn nhất so với những lộ trình khác.
Anh Phạm Minh Chương (nhà trên đường Quang Trung, làm việc tại một công ty nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1) bức xúc: “Trước đây cũng có kẹt xe nhưng không nghiêm trọng như hiện nay. Từ khi vòng xoay được xây dựng hoàn chỉnh, đường Bạch Đằng được “khóa” ngay tại vòng xoay tiếp giáp đường Nguyễn Kiệm lại để thi công thì ùn tắc xảy ra liên tục, có khi thứ bảy và chủ nhật cũng bị. Trong khi đó, xe từ nhiều đường dồn vào khu vực vòng xoay, không ai nhúc nhích được, còn xung quanh thì lại… vắng tanh. Bên cạnh đó, ngoại trừ đường Phạm Văn Đồng rộng rãi, những tuyến còn lại trong khu vực rất nhỏ nhưng vòng xoay khá lớn, chiếm nhiều diện tích kết hợp với rào chắn, vô tình tạo thành nút thắt cổ chai”.
Phương tiện giao thông trên đường Nguyễn Kiệm đi vào vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng (Ảnh: CAO THĂNG)
Tại vòng xoay này, đặc biệt là đầu đường Nguyễn Kiệm, đường Hoàng Minh Giám trong giờ cao điểm luôn có nhiều CSGT liên tục điều tiết giao thông nhưng không thể giải quyết được ùn tắc. Lượng xe từ các đường Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm, Hồng Hà, Phạm Văn Đồng đều dồn vào vòng xoay trên. Thoát qua được vòng xoay, người dân muốn vào trung tâm TP thì phải vào đường Hoàng Minh Giám nên ở đây cũng kẹt xe không kém.
Đường Hoàng Minh Giám có 4 làn xe, dài khoảng hơn 1km nhưng riêng một đoạn ngắn khoảng 200m có đến 4 điểm giao cắt từ các đường như Đào Duy Từ, Hồng Hà, Bùi Văn Thêm, Đặng Văn Sâm khiến những điểm này lúc nào xe cộ cũng kẹt cứng. Ngay cả đường Phổ Quang nối dài đường Hoàng Minh Giám cũng chỉ còn hai làn xe, tạo thành nút thắt cổ chai nên giao thông luôn trong tình trạng quá tải. Trong khi đó, hàng loạt dự án căn hộ của Novaland đang triển khai xây dựng, xe phục vụ cho công trình này ra vào thường xuyên cũng khiến giao thông thêm phức tạp.
Xây cầu vượt
Hiện tại, vòng xoay này trở thành ngã bảy gồm đường Nguyễn Kiệm (cả hai chiều hướng vào vòng xoay), Hoàng Minh Giám, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng và nhánh cuối của tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Hồng Hà). Nhiều chuyên gia về cầu đường cho rằng, bán kính vòng xoay Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng quá lớn, trong khi diện tích mặt đường lại quá nhỏ không đáp ứng được lưu lượng xe quá lớn từ các tuyến đường dồn về cùng lúc, không đủ thời gian để thoát ra khỏi vòng xoay.
PGS-TS Phạm Xuân Mai, Khoa Kỹ thuật Giao thông của Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra xung quanh khu vực vòng xoay Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng là do quy hoạch không tốt từ đầu, nên hiện nay không có giải pháp nào khác ngoài việc phải mở rộng, làm thêm đường mới. Đơn cử, để giải quyết tình trạng kẹt xe tại vòng xoay Nguyễn Kiệm - Phạm Văn Đồng, chỉ còn cách làm đường trên cao trên đoạn Nguyễn Kiệm (đoạn từ vòng xoay ra ngã tư Phú Nhuận). Một giải pháp khác là Sở GTVT cần xem xét lại phương án tổ chức giao thông sao cho hợp lý, cũng sẽ góp phần hạn chế tình trạng kẹt xe tại khu vực trên.
Về vấn đề này, Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (thuộc Sở GTVT TPHCM) cho biết, thiết kế ban đầu của vòng xoay có đường kính 80m. Sau đó, Sở GTVT điều chỉnh cho thu hẹp còn 70m, làn đường xung quanh vòng xoay là 26m, đủ cho 6 làn xe lưu thông. Để giải quyết tình trạng quá tải ở khu vực trên, Sở GTVT sẽ xây dựng cầu vượt tại vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm.
Sở dĩ không chọn phương án làm hầm chui là do đã bố trí tuyến metro số 4 đi trong lòng đất đường Nguyễn Kiệm và tốn chi phí di dời hệ thống thoát nước cống hộp đã lắp đặt trên đường này. Mục tiêu xây dựng cầu vượt tại đây nhằm giải quyết ùn tắc tại vòng xoay và tạo thuận lợi cho xe ra vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đồng thời, để giải quyết ùn tắc ở cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, Sở GTVT cũng nghiên cứu xây dựng cầu vượt tại giao lộ Trường Sơn - Hồng Hà (quận Tân Bình).
Trước tình hình ùn ứ giao thông tại khu vực trên, Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM cùng các đơn vị liên quan khảo sát hiện trường, tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông. Giải pháp trước mắt là phía cảnh sát giao thông bố trí lực lượng túc trực phân luồng tại giờ cao điểm nhằm hạn chế việc ùn ứ.
QUỐC HÙNG