Khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến tại sân bay Tân Sơn Nhất

Vừa khảo sát tình hình khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất trở về, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, tình hình chậm chuyến ở sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian qua khá nghiêm trọng.

Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải mùa cao điểm hè 2022
Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải mùa cao điểm hè 2022

Ngoài yếu tố về hạ tầng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến. Đơn cử, việc xếp chỗ trên bãi đỗ chưa tính đến thời gian khởi hành của máy bay. Máy bay khởi hành trước thì lại đỗ bên trong, máy bay khởi hành sau thì lại đỗ ngoài. Có những máy bay chỉ lăn ra đến đường băng cũng mất 15-20 phút.

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, nếu việc xếp vị trí đỗ có được hiệp đồng của cảng hàng không, hãng hàng không, kiểm soát không lưu, sẽ tối ưu được thời gian, tăng được năng lực cất - hạ cánh tại các sân bay.

Thời gian chiếm dụng đường băng của phi công cũng là yếu tố gây chậm trễ. Theo đại diện ban không lưu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, qua khảo sát sân bay Tân Sơn Nhất cho thấy, phi công nước ngoài có thời gian chiếm dụng đường cất hạ cánh là khoảng 70 giây,  trong khi phi công Việt Nam khoảng 60 giây.

Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết xấu cũng chưa được xử trí linh hoạt để hạn chế chậm, hủy chuyến. Nếu biết chắc sân bay Tân Sơn Nhất đang mưa lớn và không thể cất - hạ cánh, có thể cho phép máy bay chưa cất cánh tại các sân bay đi, giảm thời bay chờ trên trời.

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện việc cải thiện hạ tầng hàng không chưa có sự đột phá. Nhanh nhất phải đến tháng 7-2024 nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất mới hoàn thành. Sân bay Long Thành cũng phải quý 2 hoặc quý 3-2025 mới có thể đưa vào khai thác. Hệ thống sân đỗ, đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ không được nâng cấp thêm cho đến khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác.

Do đó, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đã yêu cầu các đơn vị áp dụng triệt để các giải pháp hạn chế chậm hủy chuyến, tập trung vào cải thiện đồng bộ các khâu trong quản lý, điều hành chuyến bay.

Một trong những giải pháp được đưa ra là, với các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cần phải có quy định cụ thể hạ cánh xong tối đa 60 giây là phải thoát ly đường băng, cất cánh cũng chỉ được tối đa 30 giây. Tổ bay nào không đáp ứng được quy định sẽ không cấp phép bay đến những sân bay này.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam sẽ xem xét quyết định rút phân cách tối thiểu máy bay tại Nội Bài từ 5 dặm xuống còn 3 dặm, tuy nhiên, phải cân nhắc các yếu tố để đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Các hãng hàng không Việt Nam được yêu cầu thực hiện nghiêm các suất cất - hạ cánh đã được xác nhận theo đúng quy định, tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, ban đêm, khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do chủ quan.

Tin cùng chuyên mục