Khai mạc phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

• Năm 2015 dự kiến thực hiện 184 cuộc kiểm toán
Khai mạc phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

• Năm 2015 dự kiến thực hiện 184 cuộc kiểm toán

(SGGPO).- Sáng 6-10, phiên họp thứ 32 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chính thức khai mạc tại tòa nhà Quốc hội Ba Đình (tòa nhà mới). Đây là phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành tại tòa nhà Quốc hội mới.

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn về kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) năm 2015.

Nhiều hạn chế trong quản lý ngân sách

Tính từ đầu năm đến ngày 15-9-2014, toàn ngành đã triển khai 125/186 cuộc kiểm toán, bằng 67,2% số cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2014, kết thúc kiểm toán tại 99 đầu mối, đã phát hành 59 báo cáo kiểm toán. Dự kiến đến 10-10-2014, KTNN sẽ cơ bản triển khai hết các cuộc kiểm toán trong Kế hoạch kiểm toán năm 2014. Với tiến độ như hiện nay, KTNN sẽ hoàn thành toàn diện, đúng tiến độ đã đề ra trong Kế hoạch kiểm toán năm 2014.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán của 59 cuộc kiểm toán đã có báo cáo kiểm toán phát hành, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.554,8 tỷ đồng, trong đó: Tăng thu 1.310,2 tỷ đồng; giảm chi 795,8 tỷ đồng; xử lý khác 2.448,8 tỷ đồng.

“Kết quả kiểm toán cho thấy còn nhiều hạn chế trong quản lý, chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách, sử dụng tiền và tài sản nhà nước của đơn vị được kiểm toán từ khâu lập, phân giao, sử dụng và quyết toán NSNN; tồn tại trong lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng; sai phạm trong lựa chọn nhà thầu, tổ chức đền bù, giải phóng mặt bằng, quản lý chất lượng công trình, quản lý hồ sơ dự án còn diễn ra tại một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương”, ông Nguyễn Hữu Vạn cho biết.

Việc thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án quốc gia cũng được coi là còn thiếu đồng bộ, phân bổ vốn thiếu tập trung, dàn trải, không đúng nội dung, mục tiêu; còn tình trạng các DNNN quản lý công nợ, hàng tồn kho và vốn nhà nước kém hiệu quả, gây lãng phí, tiềm ẩn rủi ro kinh doanh thua lỗ, mất vốn…

Việc kiểm toán năm 2015 phải “gói ghém” cả 5 năm

Xác định việc lựa chọn đầu mối đưa vào dự kiến KHKT năm 2015 phải đảm bảo đánh giá được việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, KTNN đề nghị thực hiện 184 cuộc kiểm toán, giảm 2 cuộc kiểm toán so với KHKT năm 2014.

Qua thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhận định, KTNN đã triển khai kế hoạch kiểm toán đảm bảo tiến độ, chỉ rõ nhiều hạn chế trong quản lý, chỉ đạo điều hành thu, chi ngân sách, sử dụng tiền và tài sản nhà nước của đơn vị được kiểm toán.

Trong số các ý kiến từ cơ quan thẩm tra, đáng lưu ý là khuyến nghị cân nhắc đưa việc kiểm toán tài chính Đảng vào kế hoạch kiểm toán 2015. Đối với khối DNNN, đề nghị tập trung kiểm toán những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ trong những năm gần đây. Với kiểm toán chuyên đề, cần khoanh lại phạm vi để bố trí đủ phân bố lực lượng, đảm bảo chất lượng kiểm toán và trước mắt chưa kiểm toán dự án đầu tư dùng vốn ngân sách địa phương để tập trung làm tốt các dự án của trung ương... 

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh yêu cầu “trọng chất, không chạy theo số lượng”. Chủ tịch Quốc hội nói: “Lực lượng cán bộ kiểm toán còn hạn chế, đòi hỏi có sự tập trung, cố gắng làm đến nơi đến chốn; không phải chỉ để kết luận đúng sai, đề xuất xử lý trách nhiệm như thế nào mà còn rút ra được những vấn đề gì cần bổ khuyết, đặc biệt là về sửa đổi thể chế”. Sang năm 2015, trong chương trình xây dựng pháp luật, Quốc hội sẽ tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kiểm toán – những văn bản pháp quy “sát sườn” với công việc kiểm toán. Vì thế, khi lên kế hoạch hoạt động của ngành cần chú trọng yêu cầu đóng góp được vào việc hoàn thiện hai luật này...

Đặc biệt, một công việc quan trọng mà ngành kiểm toán phải làm trong năm tới - theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng -  là hoàn thành việc kiểm toán công trình Tòa nhà Quốc hội mới, “làm sao để đảm bảo tuyệt đối không có tham nhũng, tiêu cực trong tòa nhà này - một công trình kết nối quá khứ, hiện tại, tương lai... Đây phải là một công trình an toàn, tuân thủ pháp luật, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả”.  Chủ tịch Quốc hội nói thêm, những nguyên tắc này đã được quán triệt trong suốt quá tình thực hiện dự án Tòa nhà Quốc hội, vì vậy, nếu tập trung làm nghiêm túc, công việc kiểm toán có thể hoàn thành để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (khai mạc vào tháng 5-2015).   

* Trong phiên họp chiều nay, cơ quan thường trực của Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Pháp lệnh Cảnh sát môi trường.

 Kế hoạch kiểm toán năm 2015 của Kiểm toán Nhà nước:

Lĩnh vực NSNN: (i) Dự kiến kiểm toán tại 54 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tăng 19 đơn vị so với Kế hoạch kiểm toán năm 2014, trong đó, 26 tỉnh, thành phố đã được kiểm toán trong năm 2014; (ii) Kiểm toán tại 19 bộ, cơ quan trung ương, tăng 5 đầu mối so với Kế hoạch kiểm toán năm 2014, trong đó, 1 đầu mối kiểm toán thường xuyên hàng năm (Ngân hàng Nhà nước), 2 đầu mối đã được kiểm toán năm 2014 (Bộ Y tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

- Lĩnh vực chuyên đề: Dự kiến kiểm toán 10 chuyên đề (chưa tính 2 chuyên đề thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh), giảm 7 chuyên đề so với KHKT năm 2014, trong đó 5 chuyên đề được tổ chức kiểm toán toàn ngành; 05 chuyên đề tại các bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổ chức thành các cuộc kiểm toán độc lập.

-  Kiểm toán hoạt động

Dự kiến tổ chức kiểm toán hoạt động đối với 5 chủ đề được dư luận xã hội quan tâm.

- Lĩnh vực đầu tư xây dựng và Chương trình, dự án quốc gia

Ngoài các dự án thuộc khối quốc phòng, an ninh, cơ quan Đảng, dự kiến kiểm toán 37 dự án, tăng 1 dự án so với Kế hoạch kiểm toán năm 2014, trong đó có 5 dự án đầu tư theo hình thức xây dựng, chuyển giao (BT), hình thức xây dựng, khai thác, chuyển giao (BOT), 4 dự án kiểm toán thường xuyên trong quá trình đầu tư  chuyển tiếp từ năm 2014 sang.

-  Lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng

Ngoài các DNNN thuộc khối Quốc phòng, An ninh, cơ quan Đảng, dự kiến kiểm toán tại 35 đầu mối, giảm 7 đầu mối so với KHKT năm 2014, trong đó có 3 tập đoàn; 10 đầu mối là ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm.

Lĩnh vực quốc phòng, an ninh và khối cơ quan Đảng

(i) Lĩnh vực quốc phòng: Dự kiến kiểm toán 16 đầu mối (10 đầu mối là các đơn vị dự toán; 02 đầu mối dự án đầu tư, 03 doanh nghiệp, 01 chuyên đề), tăng 05 đầu mối so với KHKT năm 2014.

(ii) Lĩnh vực an ninh, khối cơ quan Đảng dự kiến kiểm toán 7 đầu mối (4 đầu mối là các đơn vị dự toán, 1 đầu mối là các doanh nghiệp, 1 đầu mối là các dự án đầu tư và 1 chuyên đề), giảm 23 đầu mối so với KHKT năm 2014.

(Trích Báo cáo số: 1121/BC-KTNN của Kiểm toán Nhà nước về kế hoạch kiểm toán năm 2015)

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục