Khai thác các giá trị văn hóa biển, đảo

(SGGP).- Trong hai ngày 5 và 6-1, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) hơn 120 học giả trong nước và quốc tế, các nhà quản lý ngành văn hóa tham dự hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo Việt Nam”. Hội thảo do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức.    

(SGGP).- Trong hai ngày 5 và 6-1, tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) hơn 120 học giả trong nước và quốc tế, các nhà quản lý ngành văn hóa tham dự hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo Việt Nam”. Hội thảo do Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức.    

Tại hội thảo có 60 tham luận được trình bày theo 4 tiểu ban nhằm chuyển tải nội dung theo các chủ đề trong đó có 13 tham luận của các học giả, nhà nghiên cứu đến từ các nước và vùng lãnh thổ như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Canada, Đài Loan…   

Phát biểu tại phiên khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL nhấn mạnh: Là một quốc gia tiếp giáp với biển, để chinh phục và khai thác nguồn lợi của biển trong những điều kiện đối phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang đầu tư cho việc nhận diện, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa biển, đảo.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Sử, Viện Khảo cổ học, các nền văn hóa biển tiền sử Việt Nam là nguồn sử liệu vật thật, minh chứng cho bước chuyển từ thời đại đá sang thời đại kim khí, từ tiền sử đến lịch sử, từ nguyên thủy đến văn minh.

Với tiêu đề “Thích ứng với biển của người Việt - Nhìn từ khía cạnh sinh kế và tín ngưỡng thời thần Biển của cư dân ven biển”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị An (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, người Việt đã sớm thích nghi với môi trường biển từ việc khai thác đến sử dụng và chiếm lĩnh không gian biển, từ đó tạo nên không gian văn hóa rất đa dạng và đặc trưng của cộng đồng ven biển.

Cũng tại hội thảo, nhiều học giả trong nước giới thiệu những nét đặc trưng về văn hóa biển, đảo của các vùng, miền, địa phương của đất nước Việt Nam, như: “Văn hóa cửa biển, cửa sông Tây Nam bộ” của Tiến sĩ Phạm Lan Oanh, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, “Văn hóa biển đảo vùng Đông Bắc” của Tiến sĩ Từ Thị Loan, Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; “Văn hóa biển, đảo Khánh Hòa” của tác giả Lê Văn Hoa - Sở VH-TT-DL Khánh Hòa…    

Tham luận của các học giả quốc tế trình bày tại hội thảo đã mang đến những kinh nghiệm cho Việt Nam về các vấn đề thực tiễn nhằm vận dụng, khai thác các giá trị văn hóa biển, đảo vào phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch. Bên cạnh đó, nhiều học giả đến từ Hàn Quốc, Đan Mạch đã có các nghiên cứu sâu về văn hóa của vùng đảo Cát Bà, vịnh Hạ Long, đảo Lý Sơn của Việt Nam.      

Hội thảo cũng đã đánh giá các giá trị văn hóa biển, đảo góp phần vào bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và công tác hoạch định phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và giao lưu quốc tế sâu rộng.

VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục