
Hơn 500 khán giả tham dự chương trình “Khăn rằn thương nhớ” do nhóm sinh viên “Dệt” thuộc ngành truyền thông & tổ chức sự kiện (Cao đẳng FPT Polytechnic TPHCM) tổ chức.
Được ví như cầu nối trở về miền ký ức Nam bộ xưa, chương trình là sự kết hợp giữa âm nhạc, trình diễn thời trang và trò chuyện cùng nhà nghiên cứu văn hóa.

Mang tinh thần và góc nhìn của những người trẻ, chương trình mở ra hành trình cảm xúc bằng tiết mục mashup Bài ca đất Phương Nam – Một vòng Việt Nam kết hợp giữa nhạc cụ truyền thống của sáo trúc, đàn tranh với nhạc cụ hiện đại như cello, cùng phần minh họa đầy sống động của vũ đoàn.


Âm nhạc truyền thống và hiện đại cũng được hòa nhịp, kết hợp hài hòa trên sân khấu “Khăn rằn thương nhớ” qua hàng loạt các ca khúc: Hương lúa miền Nam, Nắng gió phương Nam, Hương sắc miền Nam, Xuôi dòng Cửu Long, Một khúc Tây Nam hay bản rap Westside Music Cypher.
Sự tương phản thú vị giữa các phần trình diễn càng làm bật lên ý nghĩa của tinh thần gìn giữ truyền thống và tiếp nối thế hệ trong giữ gìn bản sắc.

Điểm nhấn của chương trình không thể không nhắc đến phần trình diễn hai bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ chiếc khăn rằn của NTK Nguyễn Việt Hùng.
Ở bộ sưu tập thứ nhất “Khăn rằn trong kháng chiến” thể hiện trọn vẹn tinh thần kiên cường, bất khuất của một thời hoa lửa với những trái tim nóng và lòng yêu nước mãnh liệt. Hình ảnh những vùng bưng biền, rừng tràm, rừng dừa gợi cho người xem những chiến khu xưa hay hình ảnh đội quân tóc dài anh dũng thuở nào.
Trong khi đó, bộ sưu tập thứ 2 “Khăn rằn trong đời thường” là những kiểu áo dài hiện đại, năng động kết hợp giữa họa tiết khăn rằn cùng những danh thắng nổi tiếng.



Trong chương trình, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng có những chia sẻ về sự hiện diện của chiếc khăn rằn trong kháng chiến và đời sống cộng đồng Nam bộ.
Ông nhấn mạnh, khăn rằn không chỉ là vật dụng quen thuộc, còn là biểu tượng văn hóa bền vững gắn liền với bản sắc người Nam bộ. Để bảo tồn và phát huy giá trị này, cần đưa khăn rằn trở lại đời sống hiện đại một cách tự nhiên qua giáo dục, nghệ thuật và đặc biệt là sự tiếp nối từ người trẻ sau này.