Khánh thành cảng hàng không quốc tế Cần Thơ: Đường băng mới để ĐBSCL cất cánh

Sáng 1-1-2011, Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam (SAC) và UBND TP Cần Thơ long trọng tổ chức lễ khánh thành cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu những bước phát triển mới trong tương lai của ĐBSCL, là công trình chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Khánh thành cảng hàng không quốc tế Cần Thơ: Đường băng mới để ĐBSCL cất cánh

Sáng 1-1-2011, Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam (SAC) và UBND TP Cần Thơ long trọng tổ chức lễ khánh thành cảng hàng không quốc tế Cần Thơ. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu những bước phát triển mới trong tương lai của ĐBSCL, là công trình chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

  • Niềm mong ước bao đời

Sáng đầu năm mới, TP Cần Thơ nhộn nhịp hẳn lên với sự kiện khánh thành sân bay quốc tế. Khắp các nẻo đường dẫn về sân bay Cần Thơ cờ phướn trang hoàng lộng gió trong nắng mới. Khoảng 9 giờ 30 phút, từ sân lễ, các đại biểu đã nghe tiếng động cơ máy bay ì ầm xa xa và trên vòm trời, chấm nhỏ màu xanh quen thuộc của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) xuất hiện. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng phu nhân và đoàn cán bộ Trung ương đáp chuyến bay đầu tiên xuống sân bay quốc tế Cần Thơ, mở ra một thời kỳ mới cho ĐBSCL.

 Việc nâng cấp, đưa vào khai thác quốc tế cảng hàng không quốc tế Cần Thơ mở ra vận hội lớn cho khu vực ĐBSCL, có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, quốc phòng an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế, mở ra tiến trình phát triển nhanh, bền vững của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Nhiều cụ già chống gậy ra đứng ven đường háo hức nhìn sân bay hiện đại, lòng khấp khởi mừng vui. Cụ Nguyễn Văn Tuất, nay đã gần 80 tuổi, hồ hởi: “Cả đời tui sống gần sân bay này, nghĩ lại cũng thấy khó tin. Đất nước mình phát triển được như vầy, mừng quá”.

Tham dự buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Châu, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng công trình giao thông 586, chia sẻ: “Là nhà đầu tư đến Cần Thơ làm ăn, điều chúng tôi mong mỏi nhất là cơ sở hạ tầng giao thông. Khi hệ thống hạ tầng giao thông ở ĐBSCL hoàn thiện, vùng đất này chắc chắn sẽ có bước phát triển vượt bậc”. 

Chớp mắt nay đã 5 năm tính từ khi khởi công xây dựng sân bay Cần Thơ. Từ tháng 4-2005, SAC đã đầu tư 520 tỷ đồng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp đường hạ - cất cánh dài 2.400m, xây dựng mới đường lăn, sân đỗ máy bay. Đến tháng 3-2008, SAC tiếp tục khởi công xây dựng nhà ga hành khách cảng hàng không Cần Thơ, phục vụ các chuyến bay nội địa và quốc tế.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành sân bay quốc tế Cần Thơ. Ảnh: T.M.T.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo cắt băng khánh thành sân bay quốc tế Cần Thơ. Ảnh: T.M.T.

Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Cách nay tròn 2 năm, SAC đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 sân bay Cần Thơ và mở đường bay Cần Thơ - Hà Nội. Từ đó, Cần Thơ trở thành cầu nối quan trọng của vựa lúa ĐBSCL đến mọi miền đất nước. Hôm nay, sân bay quốc tế hoàn thành, TP Cần Thơ tiếp tục là cầu nối giữa ĐBSCL với thế giới, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho vùng đất chín rồng”.

Theo ông Nguyễn Nguyên Hùng, Tổng Giám đốc SAC, hiệu quả đầu tư cảng Cần Thơ đã được chứng minh rất rõ ràng. Sau 2 năm đi vào hoạt động với đường bay thẳng Hà Nội – Cần Thơ, TPHCM - Cần Thơ - Phú Quốc và ngược lại, lượng hành khách qua cảng hàng không Cần Thơ tăng trưởng mạnh, năm 2010 đón khoảng 211.000 lượt hành khách, tăng 39% so với năm 2009.

  • Bay lên từ sức bật mới

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ
Dự án cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là công trình trọng điểm quốc gia, được khởi công ngày 4-9-2005, có quy mô lớn với mức đầu tư 3.000 tỷ đồng, trong đó trên 50% là nguồn vốn từ quỹ đầu tư phát triển Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam (SAC). Sau 3 năm thực hiện, ngày 4-1-2009, SAC đã tổ chức khánh thành giai đoạn 1 với đường hạ cất cánh 2.400m x 45m và nhà ga hành khách trong nước công suất 500.000 khách/năm, đảm bảo tiếp nhận các loại máy bay như A320, A321 và tương đương, nối Cần Thơ với Hà Nội và các khu vực trong cả nước. Giai đoạn 2, SAC tập trung xây dựng nhà ga hành khánh quốc tế và thi công công trình kéo dài đoạn đường hạ - cất cánh lên 3.000m, đủ sức tiếp nhận các máy bay loại lớn và hiện đại như Boeing 747, Boeing 777.

Để ĐBSCL phát triển, điều kiện tiên quyết nhất là hạ tầng giao thông. Thời gian qua, ĐBSCL liên tục đón những tin vui: cầu Rạch Miễu, cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông hoàn thành; đưa vào sử dụng đường cao tốc TPHCM - Trung Lương; khánh thành cầu tàu cảng Cái Cui tải trọng 20.000 tấn và khởi công giai đoạn 2; nâng cấp mở rộng tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Chơn Thành – Đất Mũi)...

Ngoài ra, cảng hàng không Rạch Giá, cảng hàng không Cà Mau cũng đang được cải tạo, nâng cấp để nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ. Sắp tới, dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu cũng sẽ hoàn thành, chuẩn bị khởi công cầu Cao Lãnh, cầu Cổ Chiên và cầu Vàm Cống, thi công đoạn cao tốc Trung Lương - Cần Thơ.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, đến năm 2015, kết cấu hạ tầng giao thông thủy bộ và hàng không của khu vực ĐBSCL sẽ cơ bản hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển của vùng đất này.

Vui mừng trước sự kiện trọng đại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu: “Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là cảng hàng không lớn thứ 4 của cả nước, sau Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng. Việc nâng cấp, đưa vào khai thác quốc tế cảng hàng không quốc tế Cần Thơ mở ra vận hội lớn cho khu vực ĐBSCL, có ý nghĩa to lớn cả về kinh tế, quốc phòng an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế, mở ra tiến trình phát triển nhanh, bền vững của TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung”.

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ nhộn nhịp trong ngày khánh thành.

Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ nhộn nhịp trong ngày khánh thành.

Thủ tướng cũng biểu dương địa phương, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu xây dựng đã nỗ lực, phấn đấu vượt nhiều khó khăn để hoàn thành công trình. Theo Thủ tướng, để ĐBSCL phát triển nhanh và mạnh hơn nữa, các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành phải giải quyết cho được 3 khâu đột phá, đó là đầu tư phát triển nhanh kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Trước mắt, về cơ sở hạ tầng giao thông, ngoài sân bay quốc tế, Chính phủ đang thúc đẩy nhanh việc đưa vào sử dụng kênh Quan Chánh Bố, thông luồng cho sông Hậu để khai thác cảng Cái Cui nhằm giải quyết bài toán xuất khẩu hàng hóa cho vựa lúa, vựa tôm cá

TRẦN MINH TRƯỜNG

Tin cùng chuyên mục