(SGGPO).- Sáng 15-10, tại Đường sách TPHCM, ngọn hải đăng Trường Sa đã được khánh thành trước sự chứng kiến của hàng ngàn bạn đọc, người dân TP cũng như du khách.
Được xây dựng theo nguyên mẫu ngọn hải đăng trên đảo Trường Sa lớn, ngọn hải đăng giữa đường sách có chiều cao 7,4m, đường kính 1,4m, trọng lượng 1,2 tấn, được đúc và xây dựng từ bê tông cốt sợi thủy tinh màu trắng pha cát hạt đen lấy từ đảo Trường Sa. Trên thân ngọn hải đăng được thiết kế sợi quang chìm tỏa sáng lấp lánh tạo hình bản đồ biển đảo Trường Sa - Hoàng Sa của Việt Nam. Hình ảnh những chú chim bồ câu tỏa sáng xung quanh đỉnh ngọn hải đăng tượng trưng cho ước mong hòa bình của nhân dân Việt Nam. Trên đỉnh tháp hải đăng có đèn xoay chiếu tỏa sáng vào ban đêm như những ngọn hải đăng thật. Trên thân ngọn hải đăng có khắc các dòng chữ như “Trường Sa - Hoàng Sa là của Việt Nam. Công trình do Tập đoàn xây dựng Hòa Bình và Công ty TTVH sáng tạo Trí Việt – First News phối hợp thực hiện.
Hải đăng Trường Sa tại đường sách TPHCM
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News, đơn vị đưa ra ý tưởng xây ngọn hải đăng, cho biết: “Sự xuất hiện của ngọn hải đăng chủ quyền biển đảo nằm giữa lòng trung tâm TP sẽ kết nối tình cảm của người dân thành phố và du khách với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Đây cũng là nét văn hóa tinh thần độc đáo của Đường sách TP nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung, tinh thần đoàn kết một lòng hướng về các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Cũng nhân dịp này, tại đường sách sẽ diễn ra cuộc triển lãm ảnh với chủ đề Trường Sa - nơi ta đến của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà. Triển lãm bao gồm 60 bức ảnh được tác giả lựa chọn trong album ảnh chuyến thăm đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 kéo dài 10 ngày vào tháng 6-2016. Sự kiện do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM chủ trì nhằm góp phần chia sẻ, lan tỏa tình yêu của mỗi người con đất Việt dành cho Trường Sa - vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc - để Trường Sa không xa trong trái tim mỗi người Việt Nam.
Là một phóng viên từng viết nhiều về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa nhưng chưa được đặt chân đến nơi đầu sóng ngọn gió, tác giả Nguyễn Mỹ Trà luôn nuôi ước mơ được một lần đến nơi “đón bình minh đầu tiên ở Việt Nam”, nơi những cán bộ và chiến sĩ hải quân đang ngày đêm đối mặt những thử thách khắc nghiệt để gìn giữ, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bình yên cho Tổ quốc. Ước mơ đó đã được hiện thực hóa bằng hành trình 10 ngày sống cùng Trường Sa và DK1, với những xúc cảm chưa từng có trong cuộc đời làm báo của tác giả Nguyễn Mỹ Trà.
Triển lãm Trường Sa – nơi ta đến
Những khoảnh khắc quý giá, những ghi chép bằng hình ảnh được tác giả trân trọng lưu lại như kỷ niệm những ngày sống cùng Trường Sa và DK1: Hình ảnh bình minh, hoàng hôn tuyệt đẹp trên biển; hình ảnh các cụm nhà giàn DK1 kiên cường trong sóng gió giữa biển khơi như một biểu tượng chủ quyền lãnh thổ; hình ảnh những cánh hạc giấy và nhành hoa tươi rải xuống biển trong nghi lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh vì Tố quốc; hình ảnh những cán bộ và chiến sĩ hải quân như những dũng sĩ biển Đông rắn rỏi, vững vàng trước mọi thử thách nhưng rất hiền hòa, thân thiện, họ mang trong mình tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương như một nguồn sức mạnh không gì so sánh…
Triển lãm Trường Sa – nơi ta đến chính là lời tri ân đến những cán bộ và chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là Quân chủng Hải quân đã cống hiến cả tuổi thanh xuân, ngày đêm vững tay súng, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và bình yên, hạnh phúc cho mọi gia đình.
Tường Vy