Chặng đường hồi phục kinh tế sau khủng hoảng của Đức - nền kinh tế giữ vai trò đầu tàu trong Liên minh châu Âu (EU) - đang gặp nhiều cản trở sau khi thống kê chính thức vừa được công bố cho thấy, tỷ lệ sinh ở Đức đã chạm mức thấp nhất trong vòng 60 năm qua. Chỉ có 651.000 trẻ em được sinh ra trong năm 2009, ít hơn năm 2008 đến 30.000 trẻ em, tức tỷ lệ sinh giảm khoảng 3,6%.
Số trẻ sinh ra không đủ bù đắp số người qua đời và hậu quả trong năm ngoái dân số Đức đã mất thêm 190.000 người. Với tỷ lệ sinh giảm xuống 1,38 con/mẹ hiện nay, sau 50 năm nữa dân số có thể giảm xuống thêm 17 triệu người từ 81,7 triệu người vào cuối năm 2009.
Các số liệu mới nhất một lần nữa khiến dư luận Đức chỉ trích gay gắt những chính sách của Thủ tướng Angela Merkel. Ông Steffen Krohnert, một nhà khoa học xã hội tại Viện Phát triển dân số Berlin lý giải trên tạp chí TIME rằng, nhiều phụ nữ không muốn có con bởi vì cơ sở chăm sóc sức khỏe trẻ em do chính phủ tài trợ rất ít và nghèo nàn. Hầu hết các trường học ở Đức đều đóng cửa vào khoảng 1 giờ chiều, sớm hơn giờ đóng cửa tại các nước khác của châu Âu.
Do vậy, các bậc cha mẹ phải tìm kiếm một nơi khác để tiếp tục gửi con cho đến khi tan tầm. Nhiều phụ nữ Đức phải kết thúc sự nghiệp nếu họ muốn có con. Bởi nếu không ở nhà chăm sóc con cái, họ sẽ bị xã hội gọi là “Rabenmutter” (Người mẹ quạ) – một danh từ miệt thị những bà mẹ gửi con đến nhà trẻ để đi làm…
Năm 2007, khi chính sách hỗ trợ tài chính (trợ cấp 67% thu nhập của cha hoặc mẹ ở nhà chăm con trong suốt năm đầu tiên kể từ khi đứa trẻ chào đời) được thực hiện thì số trẻ sơ sinh tăng gần 12.000 so với năm 2006. Đây là mức tăng sinh sản đáng kể nhất ở nước này trong vòng 18 năm qua. Tuy nhiên, đến cuối năm 2008, tỷ lệ sinh ở Đức lại giảm xuống mức của năm 2005.
Một số chuyên gia cho rằng đây là hệ quả của khủng hoảng kinh tế, song theo Bộ trưởng Gia đình Von Der Leyen lúc đó thì cần nhìn nhận vấn đề rộng hơn. Bà thừa nhận rằng trong điều kiện khủng hoảng toàn cầu, các gia đình không dám sinh thêm con vì họ thấy tương lai của trẻ mù mịt và họ sợ mất việc làm khi ở nhà trông con. Những đứa bé ra đời vào những năm trước nhờ chính sách phụ cấp nuôi con thì nay lại thiếu chỗ trong nhà trẻ.
Do đó, ngoài việc phát phụ cấp nuôi con, nhà nước cần xây thêm nhiều cơ sở giáo dục mầm non cho trẻ em. Rất nhiều bà mẹ cho rằng nếu có nhà trẻ, họ sẵn sàng sinh con.
Hạnh Chi