Khổ lắm, nói mãi

Không thời điểm nào trong năm như những tuần giáp Tết Canh Dần lại bận rộn đối với các lực lượng thanh tra an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy nhưng, nếu ai thường xuyên theo dõi báo đài thì không khỏi băn khoăn vì kiểm tra tới đâu, phát hiện thực phẩm mất vệ sinh tới đó, nào bì lợn thối, mứt đầy dòi bọ, hạt dưa chứa chất gây ung thư… Quả là bất an đối với người tiêu dùng vì hầu như nhìn vào loại thực phẩm nào cũng bị ám ảnh bởi nguy cơ mất vệ sinh, nhiễm độc. Và người ta tự trấn an nhau rằng “nhắm mắt cho xong”, rồi nào là hãy “làm người tiêu dùng thông thái”… Trong các kỳ họp Quốc hội gần đây, nhiều đại biểu rất bức xúc vì tình hình mất an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng nghiêm trọng, tầm kiểm soát của các “công cụ” nhà nước quá hạn chế.

Nói đến các cơ quan chức năng “canh cửa” cho miếng ăn của người dân được an toàn, đầu tiên phải kể đến Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế). Thế nhưng, việc “chuyên môn” của cơ quan này là quản lý mang tính chất hành chính. Họa hoằn lắm lập vài đoàn kiểm tra theo kiểu “xuân thu nhị kỳ”.

Và ở các địa phương là Sở Y tế, mà cụ thể là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm hay thanh tra sở. Công việc của các đơn vị này cũng chỉ là “năm thì mười họa” đi thanh tra, kiểm tra vì luôn viện lý do thiếu nhân sự. Ngay như Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng thi thoảng đi kiểm tra thực phẩm nhưng mỗi lần đi là mỗi lần phát hiện không ít cơ sở mất vệ sinh, chí ít cũng điều kiện sản xuất, chế biến dơ dáy, hoặc sản phẩm nhiễm độc, nhiễm bẩn. Chuyện kiểm tra đó cũng chẳng khác nào “bắt cóc bỏ dĩa”. Mà năm này qua năm khác, Thanh tra Sở Y tế TPHCM đều đặn mỗi năm 2 kỳ lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra ATVSTP. Còn đột xuất có phản ánh của dư luận thì mới vào cuộc. Ngoài ra, phòng y tế các quận, huyện cũng được huy động tham gia.

Nhưng thật ngạc nhiên, là số cơ sở mà quận huyện kiểm tra vi phạm ATVSTP rất ít bởi thực ra chỉ là kiểm tra lấy lệ. Nhiều cán bộ thanh tra ATVSTP thành thật: “Đôi khi du di cho cơ sở để ngày lễ, tết có chút quà”! Trong năm 2009, Thanh tra Sở Y tế TPHCM được tăng cường một lượng nhân sự khá hùng hậu, được đào tạo, tập huấn tốt, nhưng vẫn “kêu” chưa đủ lực để kiểm soát được hết những cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn TP nếu không có sự phối hợp với các cơ quan ban ngành và cả người tiêu dùng.

Dự thảo Luật An toàn vệ sinh thực phẩm cũng vừa được trình ra Quốc hội. Vấn đề người dân quan tâm là những biện pháp chế tài khắc khe đối với những hành vi vi phạm ATVSTP. Hy vọng khi  Luật An toàn vệ sinh thực phẩm được thông qua sẽ giúp “hạ nhiệt” tình trạng mất ATVSTP hiện nay.

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục