Biết luật vẫn vi phạm
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC08) - Công an TPHCM cho thấy, số vụ TNGT liên quan đến người nước ngoài liên tục tăng cao những năm gần đây. Nếu như năm 2017 xảy ra 75 vụ, thì năm 2018 tăng lên hơn 120 vụ. Đáng chú ý, phần lớn các vụ TNGT liên quan đến người nước ngoài đều để lại hậu quả nghiêm trọng, có thương vong về người.
Điển hình như vụ TNGT xảy ra trên xa lộ Hà Nội vào ngày 23-3-2018. Rạng sáng cùng ngày, ông Mark Hall (53 tuổi, quốc tịch Úc) điều khiển xe gắn máy lưu thông vào làn đường ô tô trên xa lộ Hà Nội (hướng quận Bình Thạnh đi quận Thủ Đức) với tốc độ rất nhanh.
Khi gần đến Trạm thu phí Rạch Chiếc, ông không làm chủ được tay lái, tông vào đuôi một xe container đang lưu thông cùng chiều. Cú va chạm mạnh làm ông Mark Hall ngã xuống đường, tử vong tại chỗ.
Hậu quả từ các hành vi vi phạm giao thông đáng lo ngại vậy, song trên thực tế, tình trạng người nước ngoài vi phạm giao thông vẫn diễn ra nhiều tại TPHCM. Các trường hợp vi phạm thường xuất hiện nhiều ở khu vực trung tâm thành phố như các quận 1, 3, 5 và Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7).
Chiều 21-8, có mặt tại góc đường Đề Thám và Bùi Viện (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1), chỉ trong nửa giờ, chúng tôi ghi nhận có đến 3 trường hợp khách Tây điều khiển xe gắn máy nhưng không đội nón bảo hiểm, lưu thông ngược chiều. Tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, các nhân viên bảo vệ an ninh tại đây cho biết, việc người nước ngoài vi phạm giao thông là “chuyện cơm bữa”.
vi phạm luật giao thông tại quận 1
“Phần lớn người nước ngoài vi phạm là người Hàn Quốc, Trung Quốc. Họ thường xuyên chạy xe máy nhưng không đội nón bảo hiểm, hoặc điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia. Nếu nói họ không biết luật thì không đúng, vì hầu hết những người nước ngoài chạy xe máy ở Phú Mỹ Hưng đều là những người sống, làm việc lâu năm ở đây, hàng ngày sử dụng xe máy để đi lại”, anh Minh, nhân viên an ninh ở Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, chia sẻ.
Theo anh Minh, một trong những nguyên nhân khiến người nước ngoài vi phạm giao thông nhiều là do việc xử lý của lực lượng chức năng thời gian qua còn chưa nghiêm, dẫn đến tình trạng “lờn luật”.
Ngăn chặn chưa hiệu quả
Thiếu tá Cao Đức Thịnh, Phó đội trưởng Đội Tham mưu PC08 Công an TPHCM, cho biết để kéo giảm TNGT liên quan đến người nước ngoài, từ ngày 1-8, Phòng PC08 mở đợt cao điểm xử lý người nước ngoài vi phạm luật giao thông.
Theo Thiếu tá Thịnh, việc xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông hiện nay gặp nhiều khó khăn. Có không ít trường hợp khi bị cảnh sát giao thông dừng xe xử lý vi phạm đã không hợp tác. Cụ thể, người vi phạm im lặng, hoặc chỉ nói tiếng bản địa, không nói tiếng Anh; một số trường hợp khác không ký biên bản, để phương tiện lại và bỏ đi…
Ngoài ra, theo đại diện Phòng PC08, hiện nay số lượng cán bộ - chiến sĩ sử dụng thạo ngoại ngữ không nhiều, do đó việc kiểm tra, trao đổi, phân tích lỗi, xử lý người nước ngoài vi phạm luật giao thông còn hạn chế.
Thiếu tá Cao Đức Thịnh cho biết, cùng với việc đầu tư, bố trí cán bộ nâng cao trình độ ngoại ngữ để phục vụ tốt công tác tuần tra, xử lý vi phạm, thời gian tới Phòng PC08 cũng sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức tour du lịch, chủ khách sạn, điểm kinh doanh cho người nước ngoài thuê xe máy tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông. Qua đó, giúp người nước ngoài nắm rõ, hiểu hơn về pháp luật Việt Nam, tham gia giao thông đúng luật.
Lãnh đạo UBND một quận ở trung tâm TPHCM nhìn nhận, mặc dù thời gian qua địa phương có tổ chức, triển khai nhiều hình thức tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật (trong đó có luật giao thông) của người nước ngoài khi đến Việt Nam, nhưng do thực hiện đơn điệu, thiếu tính thuyết phục, rất ít cá nhân, doanh nghiệp liên quan tham gia, nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Theo vị này, việc tuần tra, phát hiện, xử lý vi phạm giao thông là giải pháp căn cơ, quan trọng. Do đó, Công an TPHCM cần chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông thực hiện việc xử lý người nước ngoài vi phạm giao thông thường xuyên, quyết liệt để răn đe, đặc biệt cán bộ - chiến sĩ phải nói không với tiêu cực để khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.