Một cây bút trẻ, không chỉ về tuổi đời mới hơn 20 tuổi mà cả về tuổi nghề với một tác phẩm đầu tay. Phải làm gì để một tác giả trẻ, vô danh như vậy có cơ hội in sách và đưa tác phẩm đến với bạn đọc? Nếu không phải gia đình có điều kiện, tự bỏ tiền in sách thì chỉ còn cách cố gắng tham dự và giành giải trong một cuộc thi sáng tác nào đó. Mà con đường này thì vô cùng gian truân khi những cuộc thi như thế, phần thắng thường dễ rơi vào những tác giả đã thành danh, có nhiều kinh nghiệm sáng tác.
Thật ra, khuyến khích và nâng đỡ những tác giả trẻ là vấn đề nan giải bấy lâu nay của ngành xuất bản trong nước. Giám đốc một nhà xuất bản (NXB) thuộc hàng lớn nhất nước từng thừa nhận, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, khi lựa chọn tác phẩm để xuất bản, dù ngôn từ hoa mỹ thế nào chăng nữa thì điều đầu tiên của đơn vị vẫn là xem xét khả năng sách có bán được hay không. Trong bối cảnh như thế, lựa chọn sách dựa trên tên tuổi của tác giả hay trên giải thưởng được xem là một biện pháp an toàn.
Kết quả là các nhà xuất bản vẫn rơi vào một vòng lẩn quẩn: có danh, có giải mới có sách in; vô danh, chưa nổi thì viết ra chẳng ai để ý. Nếu không được ai để ý sẽ dẫn đến chán nản, người sáng tác ngày càng ít đi hoặc chỉ sáng tác các tác phẩm ngắn theo kiểu “để chơi”. Ít sáng tác mới, ít tác giả mới lại khiến các nhà xuất bản không có nguồn tác phẩm mới để giới thiệu, lại phải quay đi quay lại với các tác giả cũ hoặc là chọn các tác phẩm nước ngoài như trường hợp xảy ra với NXB Trẻ ở mảng sách thiếu nhi.
Chính vì thế, sự kiện NXB Trẻ xuất bản 5 tác phẩm của 5 tác giả trẻ lần đầu tiên tham dự cuộc thi Văn học tuổi 20 lần 5 đã gây bất ngờ cho giới xuất bản. Bất ngờ vì cuộc thi này còn gần một năm nữa mới kết thúc, các sáng tác vì thế chưa có bất cứ đánh giá, xem xét nào.
Đây là một nét mới, độc đáo mà chưa có bất kỳ một cuộc thi văn chương nào thực hiện. Một NXB, thành viên ban tổ chức, tự chọn trong số bản thảo gửi về dự thi, thấy tác phẩm nào phù hợp với nhu cầu thị trường, chủ động xuất bản mà không cần chú ý đến vấn đề những tác phẩm này sẽ được ban giám khảo đánh giá ra sao. Nói như lời giám đốc NXB Trẻ, với ban giám khảo, có lẽ cuộc thi là cơ hội tìm kiếm người giỏi nhất, tác phẩm hay nhất…, còn với NXB thì cuộc thi là cơ hội có được nguồn sáng tác phong phú, đa dạng để đáp ứng nhu cầu bạn đọc.
Và việc làm này đã được giới xuất bản và các tác giả đánh giá cao. Phạm Bá Diệp, tác giả trẻ sinh năm 1991, có tác phẩm được xuất bản lần này đã rất bất ngờ và xúc động. Diệp cầm bút viết vì niềm đam mê, để thỏa chí chứ chưa hề nghĩ tác phẩm của mình sẽ được xuất bản một cách nhanh chóng như vậy. Diệp cũng kể rằng khi viết, rất nhiều bạn bè đã nói ra, nói vào rằng viết chỉ tốn công, làm sao có cơ hội được xuất bản sách. Chính vì thế, khi được hỏi muốn nhắn nhủ gì đến các tác giả đồng trang lứa khác, Diệp đã nói: “Các bạn hãy cứ viết, cứ viết đi; nếu không viết, không sáng tác thì cũng sẽ không thể có được cơ hội như Diệp đã có”.
Dù rằng về mặt văn chương còn nhiều điều phải bàn nhưng không thể phủ nhận việc chủ động xuất bản đã mang đến những sức sống mới cho đời sống văn học trong nước. Chỉ mới 5 tác phẩm của 5 cây bút trẻ, trong đó có đến 3 người là tác phẩm đầu tay nhưng đã đem đến nhiều bất ngờ như phong cách sáng tác huyền ảo hiếm hoi trên văn đàn, cách tiếp cận lịch sử lạ thường và hấp dẫn chưa từng thấy…
Khuyến khích sáng tác không thể thành công chỉ với những lời kêu gọi suông. Đã nhiều năm nay trong các hội nghị, tọa đàm người ta bàn đủ mọi cách để khuyến khích sáng tác nhưng những khó khăn, từ kinh phí đến chất lượng các sáng tác thế rồi đâu lại hoàn đấy, ai cũng có khó khăn riêng của mình. Và những cây bút mới, cùng những sáng tác mới ngày càng trở nên hiếm hoi. Cách làm của NXB Trẻ hay của Ban tổ chức cuộc thi Văn học tuổi 20 đã trở thành một hình mẫu đẹp, vừa khích lệ những cây bút trẻ, vừa tạo điều kiện cho NXB có thêm các bản thảo hay, tạo nên sự đa dạng trong xuất bản. Sự kết hợp đó đã đem đến một lời giải dù có thể chưa hoàn mỹ nhưng ít ra vẫn có hiệu quả khuyến khích giới trẻ có niềm cảm hứng sáng tác, nhất là trong tình hình hiện nay.
TƯỜNG VÂN