Hội thảo đã tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến mô hình khởi nghiệp trong sinh viên với khát vọng lớn như là cách tốt nhất để biến ý tưởng thành hiện thực. Bên cạnh đó, các nội dung chuyên sâu về khởi nghiệp, những cơ hội cùng các thử thách; phương pháp tư duy sáng tạo, điểm khác biệt trong hình thành ý tưởng để tạo thế mạnh trong cạnh tranh...
Tại hội thảo, bà Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM cho rằng, hiện nay tại Việt Nam có gần 100 triệu dân với hơn 40 triệu người dùng internet và khoảng 35 triệu người dùng thiết bị di động thì việc khởi nghiệp là vấn đề tất yếu và là cơ hội tốt để sinh viên các trường cao đẳng, đại học triển khai ý tưởng một cách chủ động, linh hoạt trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của kỷ nguyên kinh tế tri thức.
Đại diện Trường Đại học Lac Hồng (Đồng Nai) thì khẳng định các ý tưởng của sinh viên không được dừng lại ở các cuộc thi mà cần triển khai thành các dự án cụ thể, các kết quả hiện hữu với các giá trị kinh tế thật sự, qua đó mới tạo được các động lực cần thiết thức đẩy phong trào khởi nghiệp.
Theo TS Lê Bích Phương, Chủ tịch HĐQT, Hiệu trưởng Trường ĐH KTKT Bình Dương, việc khuyến khích sinh viên thực hành khởi nghiệp đã được trường triển khai nhiều năm qua và hiện nay đang duy trì 1 quỹ đầu tư cho các ý tưởng kinh doanh suất sắc của các sinh viên học tập tại trường. Với cách làm đó, vừa qua, sinh viên của trường đã đạt được kết quả đáng khích lệ là giải Ba trong dự án sản xuất, kinh doanh cốm nghệ Curcumin trong khu vực Đông Nam bộ, tạo tiền đề cho các thế hệ sinh viên thực hiện ý tưởng và ước mơ của mình.