
Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hôm qua (6-4), Chính phủ đã họp tiếp ngày thứ 2, cũng là ngày cuối cùng của phiên họp thường kỳ tháng 3 để xem xét nhiều nội dung quan trọng của nền kinh tế- xã hội đất nước. Bên cạnh một số vấn đề kinh tế- xã hội bức xúc thì hai nội dung ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế là phát triển kinh tế biển và phát triển thị trường vốn Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ.
- Xây dựng 4 trung tâm phát triển nguồn lợi kinh tế biển
Tại phiên họp, Bộ trưởng KH-ĐT Võ Hồng Phúc đã trình bày Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2010. Theo đó, đến năm 2020, kinh tế biển và ven biển đóng góp khoảng 53% đến 55% tổng GDP cả nước. Cũng vào thời điểm đó, thu nhập của người dân vùng biển (vốn đang thuộc loại thấp nhất hiện nay) sẽ tăng cao gấp đôi mức thu nhập bình quân chung của cả nước. Để thực hiện, Chính phủ thống nhất sẽ xây dựng một số thương cảng có tầm cỡ khu vực, hình thành một số tập đoàn kinh tế mạnh chuyên doanh về khai thác, chế biến sản phẩm từ biển và dịch vụ biển. Một tuyến đường ven biển sẽ được xây dựng, trong đó có một số đoạn cao tốc và các tuyến vận tải cao tốc trên biển.
Đặc biệt, sẽ có 4 trung tâm vùng được ví như những “quả đấm” của nền kinh tế biển ở 4 khu vực. Vùng biển và ven biển khu vực phía Bắc sẽ lấy Hạ Long – Hải Phòng làm trung tâm. Vùng ven biển Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ lấy Đà Nẵng làm trung tâm; vùng Đông Nam bộ lấy Vũng Tàu làm trung tâm. Tại vùng Tây Nam bộ, Phú Quốc sẽ là trung tâm kinh tế du lịch, thương mại mang tầm quốc tế.
- Chứng khoán: “mạch máu của mạch máu nền kinh tế”

Theo dõi giá chứng khoán trên sàn giao dịch TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Để huy động vốn phát triển kinh tế, đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến 2020 đã coi thị trường chứng khoán là hạt nhân phát triển thị trường này. Như vậy, chứng khoán sẽ là “mạch máu của mạch máu nền kinh tế” nhằm khơi thông vốn dân cư, nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn, tài sản từ các ngân hàng và các kênh tiền tệ khác như bảo hiểm, tiền gửi tiết kiệm… (với vốn huy động ít nhất là 350.000 tỷ đồng so với 70.000 tỷ đồng như hiện nay - PV).
Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, mục tiêu là đến năm 2010, giá trị vốn hóa thị trường năm 2010 chiếm 50% GDP, năm 2020 tỷ lệ này là 70% GDP. Tuy nhiên, giải pháp để thực hiện mục tiêu này lại nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau, nhất là vấn đề quản lý thị trường chứng khoán phi tập trung nơi đang chiếm 90% thị phần thị trường chứng khoán nhưng theo Thủ tướng là “quản lý kém”, thì thật sự chưa có hệ thống kiểm soát rủi ro cho thị trường, tiềm ẩn bất ổn cho cả hệ thống tài chính. Trong khi đó, hoạt động của các nhà đầu tư lại theo phong trào. Bên cạnh các giải pháp về quản lý, giám sát, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, sắp tới sẽ chuyển trung tâm giao dịch chứng khoán thành sở giao dịch chứng khoán hoạt động theo mô hình công ty.
- Điện: Không được cắt tràn lan; nhà: Kiên quyết phá dỡ phần vi phạm
Tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều qua, Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khi kết luận phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết ngay một số vấn đề xã hội bức xúc hiện nay. Sau khi nghe lãnh đạo UBNDTP Hà Nội báo cáo, Thủ tướng yêu cầu phải cương quyết xử nghiêm những công trình xây dựng trái phép. “Ngoài việc dỡ bỏ phần vi phạm, phải phạt thật nặng chủ đầu tư”. Mặc dù, mới đây chủ đầu tư 3 công trình xây dựng trái phép nổi cộm tại Hà Nội ở số 4 Đặng Dung, số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh, số 9 Đào Duy Anh đã đề xuất phương án nộp hàng tỷ đồng để cho tồn tại. Một lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm, 17 cán bộ buông lỏng quản lý để xảy ra hiện tượng hàng loạt các công trình vi phạm trật tự xây dựng vừa bị tạm đình chỉ công tác.
Một vấn đề “nóng” khác là tình trạng cắt điện tràn lan đang diễn ra, Phó chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến tình trạng cắt điện tràn lan thời gian qua vì đã ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Điện lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy điện và hệ thống truyền tải, mua điện của Trung Quốc. “Tổng công ty Điện lực phải có phương án cắt điện khoa học, không để ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh”, Phó chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Chính phủ nhắc lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Vẫn theo ông Phúc, tại phiên họp này, Chính phủ đã bàn thảo về Đề án điều chỉnh lương tối thiểu chung giai đoạn 2007-2012. Trên cơ sở góp ý của các thành viên Chính phủ, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, chỉnh sửa, tiếp tục xin ý kiến sau đó sẽ trình ra Quốc hội xem xét.
NAM QUỐC