Không chủ quan dù các ổ dịch nguy hiểm được kiểm soát

Đợt dịch Covid-19 từ cuối tháng 1 tới nay có chủng virus SARS-CoV-2 mới lây lan rất nhanh. Tuy nhiên, lực lượng chức năng và các địa phương đã nỗ lực để truy vết, xét nghiệm, khoanh vùng ổ dịch. Đến nay, các ổ dịch nguy hiểm cơ bản đã được kiểm soát. Đây là nhận định của PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong buổi trao đổi với báo giới ngày 6-2.
PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

* Phóng viên: Chủng virus SARS-CoV-2 mới ở Hải Dương, Quảng Ninh và một số địa phương hiện nay có gì đáng ngại so với đợt dịch ở Đà Nẵng năm ngoái, thưa ông?

- PGS-TS TRẦN NHƯ DƯƠNG: Virus ở Đà Nẵng là chủng cũ, khả năng lây nhiễm thấp hơn, chu kỳ lây truyền dài đồng nghĩa với khả năng lây từ người nọ sang người kia ít. Trong khi đó, chủng virus SARS-CoV-2 tại Hải Dương được xác định là biến chủng ở Anh, có khả năng bám dính tế bào người rất mạnh. Tốc độ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ với chu kỳ lây truyền chỉ còn 2 - 3 ngày so với 5 ngày như trước. 

* Virus biến chủng ảnh hưởng thế nào tới việc truy vết, xét nghiệm và khoanh vùng ổ dịch, thưa ông?

- Truy vết là một trong những công việc sống còn trong cuộc chiến ngăn chặn dịch Covid-19. Nhờ truy vết mới có thể phát hiện ra ca bệnh và cách ly ngay lập tức. Tốc độ truy vết, tốc độ khoanh vùng, tốc độ xét nghiệm là những yếu tố quyết định việc khống chế tốc độ lây lan của virus. Chúng ta đã sắp xếp các đội truy vết không kể ngày đêm, lên danh sách chuyển xuống địa phương để tổ chức cách ly ngay. Các thông tin được chuyển đi là theo tiến độ chứ không phải theo sự hoàn thành, được đến đâu chuyển đi đến đấy.

* Với những biện pháp ngăn chặn đã triển khai hơn một tuần qua, ông đánh giá thế nào về diễn biến dịch Covid-19 hiện nay?

- Có thể nói, ngay từ khi dịch bắt đầu xuất hiện, tất cả địa phương đã rất nỗ lực và trách nhiệm với tinh thần cao nhất; huy động toàn bộ hệ thống chính trị, các lực lượng chống dịch và toàn thể nhân dân tham gia với những biện pháp quyết liệt, đúng đắn, khẩn trương. Bộ Y tế ngay lập tức huy động lực lượng rất lớn các đoàn chuyên gia, cung cấp trang thiết bị, sinh phẩm, hóa chất để hỗ trợ kịp thời Hải Dương, Quảng Ninh, Điện Biên, Gia Lai. Với nỗ lực cao nhất của chính quyền, nhân dân và các lực lượng chống dịch tại tất cả các địa phương, có thể nói đến nay tình hình dịch bệnh trên cả nước đã được kiểm soát tốt. Các ổ dịch nguy hiểm nhất cơ bản đã được khống chế, rất ít khả năng lây lan. Tuy nhiên, chống dịch chưa bao giờ đơn giản, luôn có những tình huống mới nảy sinh phức tạp. Vì vậy, chúng ta không được phép lơ là, chủ quan và luôn nỗ lực ở mức cao nhất.

* Rất nhiều người tiếp xúc F1 phải cách ly tập trung, gây vất vả, tốn kém. Sao chúng ta không cách ly tại nhà những trường hợp F1?

- F1 là người đã tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh nên nguy cơ mắc bệnh rất cao và F1 chính là nguồn lây tiềm tàng nhất. Cách ly F1 tại nhà có 2 nguy cơ lớn mà chúng ta phải đối mặt. Thứ nhất, việc cách ly tại nhà thường rất khó triệt để và khó kiểm soát, chỉ cần người F1 lơ là vi phạm quy định cách ly, nguồn bệnh sẽ lây ra cộng đồng. Nguy cơ thứ hai còn nguy hiểm hơn rất nhiều và thuộc phạm vi y đức, đó là nguy cơ F1 lây nhiễm cho các thành viên khác trong gia đình rất lớn. Thực tế trên thế giới cho thấy, nếu để F1 trở thành F0 trong cùng một nhà có thể làm lây 80%-100% thành viên.

* Tết Tân Sửu sắp tới, ông có khuyến cáo gì đối với người dân để vừa vui xuân, đón tết, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh? 

- Mọi người, mọi nhà nhớ thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế. Không nên đi đến những vùng đang có dịch. Một số thói quen có thể làm tăng nguy cơ lây nhiễm cũng cần thay đổi như gặp gỡ trực tiếp chúc tết. Thay vì mừng tuổi trực tiếp thì có thể gửi thiệp chúc mừng qua mạng, điều này cũng rất ý nghĩa và đáng quý trong tình hình hiện nay.

Tin cùng chuyên mục