Xuất hiện cách đây hơn 3 năm (2012) tại Saudi Arabia, đến nay hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở Trung Đông do virút Corona (gọi tắt là MERS-CoV) đã lan rộng ra gần 30 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Cùng với một vài bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, MERS-CoV chưa có thuốc đặc trị và cũng chưa có thuốc tiêm chủng phòng ngừa. Vì vậy, MERS-CoV lan tới đâu là mang lưỡi hái của tử thần đến đó.
Hàn Quốc, một đất nước xa Trung Đông, cách Việt Nam 2 múi giờ, có nền công nghiệp rất phát triển và một nền y học tương đối hiện đại cũng không tránh khỏi MERS-CoV. Mặc dù mới phát hiện ca nhiễm đầu tiên ngày 4-5-2015, nhưng đến nay, nước này đã có 20 người chết trong tổng số hơn 160 người mắc bệnh và hàng ngàn ca nhập viện vì nghi nhiễm. Ngày 14-6 vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phải yêu cầu họp khẩn cấp vì mức độ nghiêm trọng của dịch MERS-CoV tại đất nước của xứ kim chi.
Tại Việt Nam, ngày 7-6-2015 đã ghi nhận ca nghi nhiễm đầu tiên của MERS-CoV (ở phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Nhưng rất may là sau nhiều xét nghiệm theo quy trình và thiết bị hiện tại của WHO trang bị, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã xác định bệnh nhân trên không nhiễm MERS-CoV.
Chiều 17-6, Tiến sĩ Nguyễn Quang Tập, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt - Tiệp, Hải Phòng, cho biết: Hai ca bệnh nghi ngờ nhiễm virút MERS -CoV được nhập viện và cách ly tại bệnh viện được xét nghiệm bệnh phẩm và cho kết quả âm tính với virút MERS-CoV. Qua kiểm soát rất nghiêm ngặt của ngành y tế, đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào nghi nhiễm hoặc có dấu hiệu liên quan đến căn bệnh cực kỳ nguy hiểm này tại Việt Nam. Song đó đã phải là điều đáng mừng?
Ngay sau khi có những thông tin về dịch MERS-CoV, ngành y tế nước ta đã phối hợp với các địa phương triển khai nhanh và quyết liệt các giải pháp tầm soát và phòng ngừa dịch MERS-CoV. Trước hết là giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh tại các sân bay và hải cảng quốc tế, tập trung nhất là Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng… Mặc dù đã được trang bị các thiết bị đo thân nhiệt từ những chiến dịch trước, nhưng các cơ quan chức năng của ngành y tế vẫn liên tục kiểm tra, rà soát tình hình hoạt động của máy móc và mức độ trực chiến của các bộ phận này. Theo thông tin từ các đoàn kiểm tra, tất cả các đơn vị tầm soát đều làm việc có trách nhiệm cao 24/24 giờ hàng ngày tại các cửa khẩu, đảm bảo 100% khách nhập cảnh - không phân biệt khách đến từ nước nào - đều được kiểm tra thân nhiệt đúng theo yêu cầu của WHO.
Theo kịch bản phòng chống MERS-CoV, các trung tâm lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Nha Trang… đã chuẩn bị sẵn cơ sở phòng ốc và cán bộ y tế phục vụ cho các khu cách ly, khu điều trị tại các bệnh viện lớn chuyên sâu khi có người nhiễm MERS-CoV như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM… Ngay cả phương án khoanh vùng khu dân cư khi phát hiện có người nhiễm MERS-CoV cư trú, sinh sống cũng đã được tập huấn kỹ. Trên các phương tiện thông tin đại chúng và các chiến dịch tuyên truyền công cộng, những kiến thức phổ thông về phòng chống MERS-CoV đã được loan báo rộng rãi…
MERS-CoV trước hết đe dọa trực tiếp đến tính mạng của con người khi nhiễm phải. Nhưng nó còn ảnh hưởng và tác động rất lớn đến hoạt động kinh tế, xã hội và đặc biệt là ngành công nghiệp không khói - du lịch. Không kể đến trung tâm vùng dịch là Trung Đông, ước tính những nước bị ảnh hưởng như Hàn Quốc, mùa du lịch năm nay sẽ thất thu nhiều tỷ USD. Vì chưa có thuốc đặc trị nên WHO khuyến cáo toàn thế giới phải chủ động phòng ngừa; người dân các nước không nên đi du lịch đến các nước Trung Đông trong dịp này; tránh xa vùng có dịch hoặc các nước có nguy cơ bị dịch…
Trong một thế giới hội nhập đa dạng như hiện nay, cùng với các phương tiện giao thông rất tiện lợi, chỉ vài giờ đồng hồ, người từ vùng dịch MERS-CoV có thể di chuyển đến khắp nơi trên địa cầu, là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, lan rộng. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam càng phải cảnh giác cao độ đối với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là với MERS-CoV. Mặc dù đến nay chưa phát hiện thêm trường hợp nào nghi nhiễm MERS-CoV, nhưng điều đó không có nghĩa là Việt Nam miễn dịch, chủ quan với dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm này.
PHAN LỘC