Không có “đôi hài vạn dặm”

Thất bại nặng nề của đội tuyển U.19 Việt Nam trước nhà đương kim vô địch Hàn Quốc chỉ gây sốc với kết quả 0-6 chứ không làm nhiều người bất ngờ. Dù có những tiến bộ nhất định, vượt hơn các cầu thủ cùng trang lứa, nhưng so với trình độ của châu lục, U.19 Việt Nam vẫn còn có khoảng cách không nhỏ.

Tuy nhiên, cần nhìn thất bại này và cả 2 trận đấu kế tiếp trước Nhật Bản và Trung Quốc với sự tích cực, thay vì nhanh chóng chuyển sang trạng thái bi quan như một bộ phận không nhỏ người hâm mộ và giới chuyên môn.

Điều tích cực thứ nhất là biết được giới hạn của mình. Đó là yếu tố khách quan như thể hình nói chung của người Việt Nam bé nhỏ, luôn chịu thua thiệt trong thể thao, nhất là những môn đối kháng trực tiếp như bóng đá. Đó là sự thua kém về tâm lý, điều vẫn thường xảy ra đối với những đội bóng đến từ những nền bóng đá nhỏ. Tuy nhiên, nói như chính bầu Đức, biết mình thua chỗ nào thì sẽ tìm cách hạn chế hoặc san bằng những thua kém đó.

Điều tích cực thứ hai, đó là tránh sự ảo tưởng vào năng lực của mình. Một nhóm cầu thủ đến từ một học viện bóng đá thì không thể ngày một, ngày hai ngang bằng trình độ với một đội tuyển được chọn lọc từ hơn 13 học viện của các trường đại học và 7 CLB hàng đầu khác trên đất nước đứng hàng đầu châu Á về bóng đá như Hàn Quốc. Không thể nhanh chóng nhảy vọt về trình độ mà chỉ cần liên tục tập huấn hoặc đá giao hữu nước ngoài.

Sự trải nghiệm trong môi trường thi đấu thực thụ tại các giải vô địch quốc gia mới đem lại kinh nghiệm hiệu quả nhất. Nói cách khác, không thể áp dụng mô hình “nuôi gà chọi” trong thể thao chuyên nghiệp. Nền tảng của mọi nền bóng đá đều phải từ giải vô địch quốc gia.

Và điều quan trọng nhất đó là cần khẳng định ngay rằng, không thể có “đôi hài vạn dặm” trong bóng đá. Hay như không có một nền bóng đá nào chỉ sau một đêm vươn vai thành người khổng lồ như Phù Đổng trong truyền thuyết. Đội U.19 Việt Nam trên thực tế chỉ mới là sản phẩm của 7 năm đào tạo tại Học viện HAGL - Arsenal, trong khi các nền bóng đá Hàn Quốc, Nhật Bản hay thậm chí là Thái Lan đã xây dựng nền móng từ 40 năm trước.

Thất bại 0-6 trước U.19 Hàn Quốc hay 0-7 trước U.19 Nhật Bản không chỉ là những con số, nó phản ảnh khoảng cách vô cùng lớn giữa các nền bóng đá khác nhau. Điều đó không dễ thay đổi cho dù bóng đá Việt Nam cũng tạo ra không ít bất ngờ gây chấn động.

Tuy nhiên như đã nói, đội U.19 Việt Nam thua trận nặng nề nhưng các cầu thủ đã làm hết sức mình. Có thất bại hay không nằm ở khả năng thay đổi của những nhà quản lý bóng đá. Bầu Đức đã làm tất cả bằng những gì ông có để xây dựng nên một hy vọng cho tương lai bóng đá Việt, nhưng nếu chỉ có một mình ông, một học viện HAGL, một đội tuyển U.19 thì chẳng thể nào thay đổi được gì, nếu như các nhà quản lý thay vì tìm cách cải tổ làng cầu nội địa hơn là chỉ biết “ăn theo” thành tích và công sức của bầu Đức và U.19.

Điều đáng tiếc là cho đến lúc này, vẫn còn đó những cuộc tranh cãi không cần thiết giữa VFF và những người làm chuyên môn về cách xây dựng nền móng theo mô hình nào, vẫn có những cuộc ganh đua thành tích giữa các CLB với nhau thay vì bắt tay để đào tạo bóng đá trẻ.

Ngoài bầu Đức và một số ít CLB có tiềm lực đang nỗ lực tự mình làm bóng đá chuyên nghiệp, thì ngay chính VFF cũng chỉ “thấy vui thì vỗ tay vào” và tranh phần công sức trong sự thành công bước đầu của đội U.19 Việt Nam vốn không phải là sản phẩm của họ tạo ra.

VIỆT QUANG

Tin cùng chuyên mục