Không để có ai bị lạc lõng, bị bỏ quên

Hổ dữ cũng không ăn thịt con, vậy mà trong 2 năm gần đây đã xảy ra nhiều thảm kịch gia đình: cha mẹ nhẫn tâm sát hại chính con thơ của mình, rồi tự tử.

Do mâu thuẫn với vợ, một người đàn ông ở huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) pha thuốc trừ sâu vào bột ngũ cốc cho 3 con ruột uống để cùng chết với mình. Do buồn gia đình và không có khả năng trả nợ, một người phụ nữ ở thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đâm chết con ruột 2 tuổi, rồi tự tử. Sau khi cùng chồng ra tòa ly hôn, một người phụ nữ ở huyện Kim Thành (tỉnh Hải Dương) ép 2 con ruột uống thuốc diệt cỏ, rồi tự tử. Do mâu thuẫn nghi vợ có nhân tình, một người đàn ông ở quận Thủ Đức (TPHCM) giết con trai 5 tuổi, rồi tự treo cổ chết. Do buồn giận người tình, một người phụ nữ đơn thân ở thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đã siết cổ con chết, rồi tự tử. Mới đây, do cuộc sống bí bách và những bất ổn trong diễn biến tâm lý trầm cảm sau sinh, một phụ nữ ở huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang) đã đưa 2 con nhỏ ra sông tự tử.

Tranh cổ động về việc bảo vệ hạnh phúc gia đình
Vì sao lại có những thảm kịch gia đình như vậy? Rõ ràng mâu thuẫn, xung đột, nóng giận dẫn đến các hành vi nông nổi, bốc đồng nêu trên đều là chuyện của người lớn, mà con trẻ phải thành nạn nhân. Nguyên nhân chủ yếu là do ngoại tình, bế tắc trong đời sống và bạo lực gia đình, trong bối cảnh cấu trúc gia đình ngày càng trở nên mong manh, dễ vỡ. Điều rất tội lỗi là những người nhẫn tâm sát hại con thơ rồi tự tử đã hành động như vậy chỉ vì lòng ích kỷ, cay độc, muốn làm cho chồng hay vợ mình sẽ phải trọn đời sống trong đau đớn, ân hận, khổ sở. Cũng có nhiều trường hợp hung thủ trong cơn cuồng tình đã giết chết con cái rất tàn độc, vô nhân tính, nhưng rồi lại tự sát bất thành vì... không dám chết, và rồi phải ra tòa vì tội giết người.


Với những cuộc hôn nhân không tìm thấy hạnh phúc, bị rạn nứt, đổ vỡ, thay vì để nghi kỵ, xung đột, căng thẳng, căm hận, bạo hành, đến mức xảy ra những thảm cảnh tự tử, vợ chồng giết nhau, thậm chí giết cả con thơ, thì vẫn còn có giải pháp tốt nhất để dừng lại là ly hôn. Điểm lại những vụ sát hại con cái rồi tự tử nêu trên, sẽ thấy hung thủ đã hành động thiếu kiềm chế do bế tắc trước hoàn cảnh, không giữ được bình tĩnh, do nhận thức hạn chế, do bị trầm cảm, do có bất ổn trong quá khứ hình thành nhân cách; lại không có được sự cảm thông chia sẻ của người thân và xã hội; thiếu kinh nghiệm sống, nên khi quẫn bách trong việc giải quyết mâu thuẫn gia đình, dễ dẫn đến nông nổi làm liều.

Để vượt qua những khổ đau, bế tắc trong cuộc sống và trong gia đình, mỗi cá nhân phải trang bị cho mình những kỹ năng sống, mở rộng các mối quan hệ xã hội, biết bình tĩnh trước mọi vấn đề, nhận thức đúng sự việc, và nên tìm sự chia sẻ, tư vấn, giúp đỡ của người thân, bạn bè, tổ chức. Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, Liên đoàn Lao động nên chú trọng việc tổ chức và nâng chất lượng hoạt động của các trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, có chuyên gia sẵn sàng tư vấn giữ hạnh phúc gia đình, hỗ trợ tâm lý cho những người gặp chuyện đau buồn, bế tắc, trầm cảm; có luật gia hướng dẫn, trợ giúp thủ tục ly hôn, ly hôn đơn phương. Cần có nghiên cứu xã hội học để có những giải pháp căn cơ cho vấn đề xã hội này.

Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, chúng ta đã dồn sức thực hiện tâm nguyện rất nhân văn: Không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong việc gìn giữ một xã hội an lành, văn hóa, chúng ta cũng không để có ai bị lạc lõng, bị bỏ quên đến mức phải sốc trước mâu thuẫn, phải bế tắc khi nghĩ đến tương lai, và phải tìm đến cái chết. Để thực hiện điều này, đòi hỏi sự phát huy vai trò và trách nhiệm của cộng đồng xã hội; đặc biệt là của từng cá nhân trong gia đình, không vô tình, vô cảm với người thân của mình.

Tin cùng chuyên mục