Em gái tôi đến tạm cư ở Đồng Nai làm công nhân rồi lập gia đình. Từ khi có con nhỏ, em tôi phải nghỉ làm để chăm sóc con. Chồng là lao động chính, lương tháng chưa tới 5 triệu đồng, công việc không ổn định, đã hơn nửa tháng phải tạm ngưng công việc bởi công ty thiếu đơn hàng. Em tôi phải vay tiền của nhóm người rao cho vay trong tờ rơi phát trên đường phố.
Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ cần đưa hộ khẩu hoặc chứng minh nhân dân, không phải thế chấp tài sản. Chỉ một cuộc điện thoại, 20 phút sau có người đến tận phòng trọ đưa cho mẫu hợp đồng được đánh máy sẵn có nội dung rất tình cảm: “hỗ trợ vốn làm ăn” với số tiền 4 triệu đồng. Nhưng thực tế em tôi chỉ nhận được 3,2 triệu đồng vì bị trừ chi phí làm thủ tục và trả một phần nợ gốc lẫn lãi ngay từ đầu.
Theo thỏa thuận, thời gian cho vay trong 8 ngày, mỗi ngày phải trả 500.000 đồng. Em tôi trả đến ngày thứ 6, tổng cộng đã trả 3 triệu đồng, còn 2 ngày chưa trả kịp thì nhóm người cho vay nặng lãi đòi phải trả 3 triệu đồng nữa vì phạt không tuân thủ hợp đồng đã ký. Cả 2 vợ chồng năn nỉ, xin thông cảm để trả 1 triệu đồng nhưng không được, đành phải xoay xở trả thêm 3 triệu đồng cho nhóm người cho vay nặng lãi để yên chuyện.
Một người bà con với tôi ở quê miền Trung cũng gặp tình cảnh khốn khổ như vậy, nhà chưa làm sổ hồng, không có tài sản thế chấp vay ngân hàng, nên đã phải vay nóng 10 triệu đồng để duy trì đàn heo vượt qua giai đoạn đang giảm giá, nhưng thời gian cứ kéo dài, mất khả năng trả nợ. Sau đó, người này bị nhóm cho vay nặng lãi hăm dọa, phải bán cả đàn heo vẫn không đủ tiền để trả nợ.
Hiện nay nạn cho vay nặng lãi đã vươn vòi bạch tuộc đến từng ngõ hẻm, xóm làng. Phần lớn nạn nhân là người nghèo, làm thuê, chăn nuôi, trồng trọt, buôn gánh bán bưng, không có tài sản đáng giá thế chấp để vay ngân hàng đủ số tiền đang cần, phải vay nóng nặng lãi để giải quyết công việc trước mắt. Các đối tượng cho vay nặng lãi mời chào, chiêu dụ như thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, có thể kéo dài kỳ hạn. Một khi con mồi đã dính vào, trả không đúng hạn, món nợ tiếp tục quay vòng với hệ số nhân, với công việc bấp bênh và thu nhập thấp thì mất khả năng trả nợ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Hãy xử lý nghiêm các đối tượng cho vay nặng lãi đẩy nạn nhân đến đường cùng. Nên tuyên truyền cho người dân biết, hiểu rõ bản chất tín dụng đen để không bị lợi dụng. Mỗi địa phương có thể tạo không gian công cộng cho người dân và công nhân sinh hoạt, gặp gỡ trao đổi những câu chuyện trong cuộc sống, những thắc mắc về vấn nạn nào đó để được quan tâm, giải thích, chia sẻ, góp ý, giúp đỡ, bảo vệ, tránh bị nhóm cho vay nặng lãi lợi dụng chiêu dụ vay nóng.
Cần lắm một hệ thống an sinh xã hội, những chính sách cốt lõi để người dân nghèo và công nhân không bị gạt ra bên lề sự phát triển. Tiến tới lập quỹ hỗ trợ khẩn cấp với mạng lưới rộng khắp đến tận từng khu phố để kịp hỗ trợ những hoàn cảnh khốn khó như khi thất nghiệp không đủ khả năng trang trải cuộc sống, trong khi chuyển đổi việc làm. Trước mắt, Nhà nước tác động các ngân hàng cho người nghèo và công nhân vay tín chấp bằng chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu để xoay xở lúc cấp thiết với số tiền dưới 10 triệu đồng.