Không gián đoạn học tập vì dịch

Một ngày sau khi có quyết định học sinh tạm dừng đến trường của UBND TPHCM, việc dạy và học ở các trường phổ thông vẫn diễn ra bình thường, không làm gián đoạn quá trình học tập của học sinh.
Thầy Hà Minh Sơn, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đang dạy trực tuyến với camera và bảng viết kỹ thuật số. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thầy Hà Minh Sơn, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) đang dạy trực tuyến với camera và bảng viết kỹ thuật số. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giáo viên chủ động kế hoạch dạy

Trưa 2-2, cô Phạm Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10), cho biết, dạy học trực tuyến cho học sinh không chỉ tổ chức ngắn hạn trong mấy ngày trước tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà đã nằm trong kế hoạch dài hạn của nhà trường từ đầu năm học. Theo đó, toàn bộ giáo viên, học sinh nhà trường đã được cấp tài khoản trực tuyến. Ngoài ra, kho bài giảng E-Learning được cập nhật liên tục ở tất cả môn học. Học sinh có thể dễ dàng truy cập website trường, tải các bài giảng về máy tính tự học ở nhà.

Bắt đầu từ đầu năm học 2020-2021, nhà trường quy định mỗi môn học có 4 bài kiểm tra trắc nghiệm online trong một học kỳ. Học sinh có thể chủ động lựa chọn thời gian thực hiện phù hợp điều kiện học tập của bản thân. Cô Phạm Thị Thanh Bình bày tỏ: “Trong thời gian dạy học trực tuyến, để giảm áp lực cho giáo viên và học sinh, nhà trường không bắt buộc dạy học theo thời khóa biểu cố định mà chủ yếu nhắc nhở, rèn cho học sinh thói quen tự học. Riêng đội ngũ thầy, cô giáo có nhiệm vụ thường xuyên cập nhật kho học liệu sẵn có, kịp thời giải đáp thắc mắc cho học sinh, giúp các em củng cố thêm kiến thức tại nhà”. Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch giảng dạy, điều chỉnh nội dung sao cho phù hợp với điều kiện thực tế và khả năng tiếp nhận của học sinh.

Tương tự, tại Trường THCS Minh Đức (quận 1), cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, căn cứ theo kế hoạch giáo dục từ đầu năm học, học sinh còn hai ngày học theo thời khóa biểu chính khóa trước khi nghỉ tết; riêng hai ngày 4 và 5-2 dành cho các hoạt động lễ hội. Tuy nhiên, sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND TPHCM về việc tạm dừng đến trường từ ngày 2-2, trường đã hủy tất cả hoạt động lễ hội, tổ chức dạy học trực tuyến trong hai ngày 2 và 3-2 ở tất cả môn học, đảm bảo khối lượng kiến thức và không làm gián đoạn việc học của học sinh.

Trong đó, học sinh 3 khối gồm 7, 8, 9 đã có tài khoản học trực tuyến từ học kỳ 2 năm học 2019-2020 (thời điểm bùng phát dịch Covid-19); riêng học sinh khối 6 được cấp mới tài khoản vào đầu năm học này. Trong học kỳ 1, giáo viên đã kết hợp song song hai hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến (giải đáp thắc mắc, sửa bài tập, bồi dưỡng học sinh giỏi…) nên không bị động khi chuyển qua dạy học trực tuyến trong hai ngày trước khi nghỉ tết. Cụ thể, học sinh sẽ học trực tuyến tất cả môn học, kể cả thể dục, mỹ thuật, âm nhạc, trừ các môn học với giáo viên nước ngoài và chương trình tích hợp. Ghi nhận sau ngày đầu tiên học trực tuyến, cô Trần Thúy An cho biết, tỷ lệ học sinh tham gia hơn 80%, trong đó nhiều lớp có 100% học sinh tham gia học trực tuyến. Đặc biệt, để tạo nề nếp học tập nghiêm túc, dù không có học sinh nhưng giáo viên vẫn vào trường dạy học trực tuyến, kết thúc mỗi tiết học có chuông báo hiệu hết giờ để đảm bảo thời gian học tập phù hợp.

Ổn định tâm lý học sinh cuối cấp

Tại Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú thông tin, giáo viên ở tất cả bộ môn đã đăng toàn bộ nội dung chương trình học của tuần này lên website trường. Ngoài ra, các thầy, cô còn cung cấp cho học sinh một số đường link các đoạn video clip bài giảng trên mạng, hỗ trợ việc tự học ở nhà của học sinh. Song song với việc cung cấp kiến thức, giáo viên sẽ gửi bài tập cho học sinh luyện tập thêm ở nhà thông qua phần mềm 789.vn, các nhóm chat viber, zalo, facebook…

Thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh, trong một tuần lễ trước khi nghỉ tết, học sinh tạm ngừng đến trường chứ không ngừng việc học. Nhà trường quán triệt tinh thần đến toàn bộ giáo viên là tuyệt đối không tổ chức kiểm tra lấy điểm, không giao bài tập yêu cầu học sinh làm trong thời gian nghỉ tết. “Dịch khiến tâm lý phụ huynh và học sinh lo lắng. Đặc biệt với học sinh khối 12, các thầy, cô chủ nhiệm phải thường xuyên động viên học sinh giữ tâm lý bình tĩnh, tự tin, tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch để đảm bảo sức khỏe tốt nhất trước khi bước vào thời gian ôn tập nước rút trong học kỳ 2”, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, trong ngày đầu tiên chuyển đổi hình thức học tập, tỷ lệ học sinh đăng nhập trang thông tin điện tử của trường để theo dõi các bài giảng E-learning khá cao.

Một cách làm khác, theo thầy Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), trường triển khai dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu đối với 9 môn cơ bản gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.

Đối với hai môn thể dục và giáo dục quốc phòng, học sinh sẽ tiếp tục chương trình học sau thời gian nghỉ tết. Trong thời gian dạy học trực tuyến, giáo viên không triển khai bài mới mà ôn tập, củng cố kiến thức của tuần học thứ 22. Riêng đối với học sinh khối 12, thầy Phạm Phương Bình nhắn gửi, các thầy, cô giáo bộ môn sẽ sắp xếp lại thời khóa biểu sau kỳ nghỉ tết.

Nếu tình hình dịch kéo dài, trường đảm bảo dạy học trực tuyến và thời gian ôn tập kiến thức cho học sinh nên các em không cần lo lắng. Đại diện các trường đều cho biết, đây là năm thứ hai triển khai dạy học trực tuyến nên các trường đã có kinh nghiệm, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật đem lại hiệu quả học tốt nhất cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục