Tuy nhiên, bên cạnh một số địa phương khai thác hiệu quả, đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân địa phương, doanh nghiệp và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, vẫn còn một số địa phương chưa kết hợp hài hòa giữa phát triển du lịch, kinh tế với nâng cao đời sống nhân dân.
Trong đó, người dân bức xúc nhất là tình trạng khoán trắng cho doanh nghiệp du lịch khai thác các bãi biển, mà không tính đến quyền lợi người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt và mưu sinh của họ.
Thông thường sau khi được giao đất là các doanh nghiệp tiến hành xây tường rào chắn toàn bộ phần đất được chính quyền cho thuê để kinh doanh. Do đó, du khách, người dân địa phương muốn tắm biển thì phải sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp thuê mặt bằng này, thường là với giá “cắt cổ”.
Tình trạng bít lối, chặn đường xuống biển khiến ngư dân gặp rất nhiều khó khăn để mưu sinh.
Nhiều nơi, ngay cả người dân địa phương ra biển để đánh bắt cá cũng không có lối đi, do bị các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng chặn lối, nên họ buộc phải đi vòng khá xa mới có lối ra biển. Nhiều nơi do khó ra biển và khó bảo quản tàu thuyền, ngư lưới cụ... mà ngư dân đã phải bỏ nghề đi biển, chuyển sang làm nghề khác.
Bãi biển là tài sản công cộng, thuộc sở hữu toàn dân, nên dù có giao cho các doanh nghiệp quản lý, sử dụng, thì phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Doanh nghiệp chỉ thuê mặt bằng, kinh doanh dịch vụ trên bờ, còn bãi biển thì không được thuê, người dân có quyền tắm biển, vui chơi nghỉ dưỡng trên đó, và phải có lối ra biển hợp lý. Không thể chấp nhận tình trạng lấy bãi biển làm của riêng.
Các cơ quan chức năng cần xử lý triệt để tình trạng tùy tiện phân lô bán bãi biển ở một số địa phương. Đồng thời, có thể quy định cứng là không quá 100m phải có một lối đi ra biển để người dân đánh bắt hải sản, vui chơi, giải trí. Điều này không những bảo vệ quyền lợi cho mọi người mà còn đảm bảo đời sống, sinh hoạt bình thường của người dân ở các địa phương có các bãi biển đẹp.