Vào thời điểm năm sắp hết, tết sắp đến, thông tin doanh nghiệp (DN) có thể thưởng tết cho người lao động bằng hiện vật, thay vì tiền, đang khiến dư luận băn khoăn. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 104 Bộ luật Lao động (sửa đổi) năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua, từ ngày 1-1-2021, các chủ sử dụng lao động không chỉ trả thưởng bằng tiền mà có thể trả bằng hiện vật và các tài sản khác.
Thực ra, hình thức trả thưởng bằng hiện vật không mới. Bởi vì nhiều năm qua, vẫn có nhiều DN thưởng tết cho người lao động bằng sản phẩm đơn vị làm ra hoặc quà bánh mứt, kẹo, trà thuốc, các hiện vật khác. Nhưng những nơi thưởng như vậy thường do làm ăn gặp lúc khó khăn, bết bát.
Lâu nay, thưởng tết không phải là quy định có tính bắt buộc đối với DN, mà hoạt động này diễn ra chủ yếu là theo truyền thống văn hóa, tập quán, lễ nghĩa của người Việt, nhằm động viên, khích lệ người lao động làm việc đạt năng suất cao hơn, chất lượng hơn, yên tâm gắn bó lâu dài với DN. Nhưng, một khi hoạt động thưởng tết được đưa vào luật, với độ mở về hình thức trả thưởng là không cứ phải bằng tiền mặt mà có thể dùng hiện vật, sẽ có thể khiến những DN có chính sách nhân sự kém, quen làm ăn chụp giật, tìm cách “lách luật”. Nhiều DN, ngay cả khi làm ăn có lãi, vẫn có thể tìm cách thưởng tết cho công nhân bằng sản phẩm làm ra, để tạo thêm doanh số, để tranh thủ quảng bá thương hiệu, hoặc để giải quyết hàng tồn kho. Vì vậy, vô tình phần thưởng tết bằng hiện vật có thể trở thành gánh nặng, hoặc gây bất tiện cho người lao động. Chẳng hạn, đối với các loại hiện vật cồng kềnh thì những công nhân làm việc xa quê, đến tết trở về lại phải lo gói ghém, tay xách nách mang, hoặc phải thuê dịch vụ gửi hàng, tốn thêm cước vận chuyển. Nhiều loại sản phẩm dù có được thưởng thì người lao động cũng không thể tiêu xài được trong vài ngày tết, đem bán chưa chắc có khách mua hoặc có mua cũng với giá rẻ, bị hao hụt về giá trị... Tâm lý của phần lớn người lao động là muốn được nhận thưởng tết bằng tiền, sau đó có thể tùy ý chi tiêu, mua sắm bất cứ thứ gì phù hợp nhu cầu, sở thích của bản thân và gia đình.
Mặc dù hơn 1 năm nữa Bộ luật Lao động năm 2019 mới có hiệu lực, nhưng điều khiến nhiều người dân hiện nay băn khoăn là các DN có thể áp dụng thưởng hiện vật ngay cho Tết Canh Tý 2020. Mặc dù các chuyên gia lao động - tiền lương đã trấn an rằng, người lao động không nên lo lắng và Bộ LĐTB-XH sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các DN thực hiện. Song, người lao động vẫn cứ cảm thấy lo lắng.
Dù luật không ép DN phải trả thưởng bằng tiền, nhưng theo các chuyên gia, DN nên thưởng cho người lao động của mình bằng tiền thay vì hiện vật. Bằng chứng là DN nào không có chế độ chăm lo phúc lợi tốt với người lao động thì thường sau mỗi mùa tết lại phải treo biển tuyển dụng lao động, vì người lao động sẽ nhảy việc, sang chỗ khác tốt hơn. DN chỉ nên áp dụng hình thức thưởng tết bằng hiện vật nếu đó là những hiện vật có giá trị lớn, ví dụ như cổ phiếu, các chuyến du lịch hoặc tủ lạnh, ti vi, ô tô, xe máy, căn hộ… Tuy nhiên, kể cả muốn thưởng tết bằng hiện vật có giá trị lớn thì cũng phải có sự đồng thuận của người lao động. Khi xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn bộ luật, cơ quan chức năng cần ghi rõ khi thưởng tết, người lao động có thể lựa chọn hình thức lấy bằng dịch vụ, sản phẩm hoặc bằng tiền. DN chỉ được phép trả bằng sản phẩm nếu người lao động đồng thuận. Bộ LĐTB-XH phải có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Để bảo vệ lợi ích cho người lao động thì công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động tại DN phải giám sát, có trách nhiệm và lên tiếng. Cần có cơ chế để thanh tra, kiểm tra, xử lý nếu DN bắt ép người lao động nhận thưởng tết bằng hàng tồn kho, không thực hiện đúng việc chi thưởng cho người lao động bằng đúng giá trị tiền thưởng.