Một người đàn ông vừa bị hổ dữ tấn công cắn đứt lìa cả hai tay không phải ở nơi rừng sâu núi thẳm, mà xảy ra tại Khu du lịch sinh thái Thanh Cảnh ở tỉnh Bình Dương. Nạn nhân là nhân viên ở đây, đã bất cẩn khi đứng bên chuồng nhốt hổ, và chuồng được xây dựng rất sơ sài, không đảm bảo an toàn. Mặc dù được cấp phép nuôi hổ nhưng khu du lịch sinh thái này đã từng bị xử lý vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) quý hiếm, và hai cha con ông chủ khu du lịch này từng bị phạt tù vì nấu hổ lấy cao.
Chuyện bị ĐVHD tấn công không phải là chuyện hy hữu ở nước ta. Trước đây, đã xảy ra vụ một công nhân vườn thú Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) bị hổ cắn chết tại chỗ, một công nhân khác bị thương nặng; và một nhân viên vườn thú này bị voi quật chết; một bé trai 3 tuổi ở TPHCM bị gấu nuôi lậu cắn đứt lìa tay; một phụ nữ cũng đã bị hổ cắn đứt tay ở khu du lịch sinh thái Trại Bò (huyện Diễn Châu, Nghệ An)... Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn thảm khốc này là do việc nuôi nhốt ĐVHD không thực hiện đúng các quy định về xây dựng tường rào cách ly, cộng với sự chủ quan, bất cẩn của nạn nhân.
Qua những vụ có người bị ĐVHD nuôi nhốt tấn công, cũng cho thấy thực tế đang có rất nhiều ĐVHD bị săn bắt, nuôi nhốt để giải trí, để thu hút khách tham quan, để khai thác các bộ phận cơ thể, và cả để giết thịt. Ước trên cả nước hiện có khoảng 2.000 con gấu, 120 con hổ, 100 con voi đang bị nuôi nhốt. Đa số các hộ gia đình nuôi nhốt ĐVHD đều không có giấy tờ hợp pháp nào chứng minh nguồn gốc của con thú và không đăng ký nuôi dưỡng, chăm sóc. Có nơi được cấp phép, và cũng có nhiều nơi chẳng cần được cấp phép vẫn cứ tự tiện nuôi nhốt ĐVHD. Có những nơi nuôi gấu để khai thác rất dã man, như chặt bàn tay gấu để ngâm rượu hoặc tiềm thuốc bắc; tiêm rút mật hàng ngày để bán cho dân nhậu pha rượu uống. Có những nơi nuôi rắn hổ chúa để ăn thịt và ngâm rượu. Có nơi nuôi hổ để lấy da và nấu xương làm cao.
Môi trường tự nhiên của các ĐVHD bị tàn phá, dẫn đến xung đột ngày càng gia tăng giữa con người và các loài sinh sống trong tự nhiên, khiến ĐVHD tồn tại trong môi trường tự nhiên ở nước ta bị đe dọa diệt vong. Trong khi đó, công tác bảo vệ ĐVHD, nhất là các loài nguy cấp, quý hiếm, còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý; nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn ĐVHD còn hạn chế. Theo quy định tại Nghị định 157/2013 (xử phạt vi phạm hành chính về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản), hành vi giết ĐVHD nguy cấp, quý hiếm có thể bị xử phạt ở mức nặng nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng khi truy trách nhiệm của địa phương và các cơ quan chức năng liên quan vì sao không kịp thời kiểm tra, xử lý, thì câu trả lời thường là do... người nuôi nhốt ĐVHD không báo cáo.
Bộ luật Hình sự hiện hành đã củng cố hành lang pháp lý nhằm bảo vệ tốt hơn các loài ĐVHD. Theo Điều 244 (tội vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD nguy cấp, quý hiếm), các hành vi săn bắt, giết, nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép ĐVHD thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm; tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm; phạt tiền đến 15 tỷ đồng; pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm. Song, như vậy vẫn chưa đủ, bên cạnh những công cụ mang tính chất ràng buộc và pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật và quản lý dữ liệu để bảo vệ các loài nguy cấp; bổ sung khung pháp lý, chính sách về bảo vệ ĐVHD; tạo việc làm bền vững và hướng dẫn, khuyến khích cộng đồng dân cư sống ở các vùng đệm tham gia bảo vệ và bảo tồn các loài nguy cấp, quý hiếm; phạt nặng đối với hành vi sử dụng bẫy, công cụ săn bắn và chó săn trong rừng để săn bắt ĐVHD. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD.