Không thể “trăm hoa đua nở”

Vốn là lãnh đạo của một doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông lớn nhất nước, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng hiểu từng ngóc ngách, từng thuật toán của “kỷ nguyên số” đang len lỏi và ngự trị trong mỗi gia đình, mỗi cá nhân. Trong phiên chất vấn Quốc hội cuối tuần qua, thêm một lần nữa Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã phân tích kỹ “lợi”, “hại” của các tương tác thực hiện trên nền tảng mạng xã hội, từ đó đề ra các giải pháp ngắn hạn và dài hạn hướng tới một môi trường sinh thái lành mạnh, mang tính xây dựng, nhân văn.

Mặc dù hành lang pháp lý của chúng ta đã có “đủ”, gần nhất là Luật An ninh mạng và các giải pháp dưới luật, song tình hình chung vẫn còn diễn biến phức tạp với các nội dung xấu, độc hại xuất hiện nhan nhản trên mạng xã hội, gieo rắc cảm giác “chặt đầu này lại mọc ra đầu khác” như con quái thú Medusa trong thần thoại Hy Lạp. Chưa hết những Khá Bảnh, Phước XO, Đình Sang đã bị xử lý vì tung ra những video clip có nội dung bạo lực - đâm, cướp, giết, hiếp, thì lại xuất hiện cả chục ngàn Web drama khác do giới showbiz thực hiện cũng vẫn mô típ bạo lực, cave, xăm trổ, tạo ra cả một xu hướng (Trend) trên YouTube với hàng triệu lượt xem.

Ở đây, cũng cần nói đến sự tiếp tay của YouTube khi để tồn tại các clip có nội dung câu khách, thiếu lành mạnh, giống như bỏ thêm thuốc độc vào món ăn vốn dĩ bóng bẩy nhưng khó nuốt trôi. Đối với mạng xã hội này, cũng như với Facebook và Twitter, tiền từ quảng cáo rót vô còn quan trọng hơn nhiều lần nội dung hiển thị. Theo thừa nhận của chính các nhân viên làm việc tại các mạng xã hội nổi tiếng này, các thuật toán được sử dụng tại đây chỉ nhằm níu kéo người xem, thời gian xem càng dài càng hiển thị nhiều quảng cáo hơn với người sử dụng. Nghĩa là chỉ tiền là có giá trị, tất cả còn lại đều là thứ yếu, chọn xem hay không xem là chuyện… nhận thức của mỗi người.

Khác với một số nước như Trung Quốc và Nga, chúng ta không ngăn cản hay cấm đoán các hoạt động của mạng xã hội, nhưng không vì thế mà buông lỏng công tác quản lý để các nội dung xấu, độc hại phát tán. Luật An ninh mạng là bước đầu để chấn chỉnh và thực hiện các giải pháp chế ngự mà theo đó từ khi áp dụng, các “gã khổng lồ” Facebook và Google đã gỡ bỏ 70%-90% nội dung đăng tải mà phía Việt Nam yêu cầu. Nhưng đó chỉ là giải pháp tức thời, sâu xa hơn chúng ta phải phát triển các mạng xã hội nội địa “cây nhà lá vườn” để có thể kiểm soát chặt hơn nội dung tương tác.

Theo số liệu của Bộ TT-TT, hướng “nội địa hóa” này có bước tiến triển khả quan. Tính đến thời điểm hiện tại, 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép, trong đó cấp mới 6 tháng đầu năm 2019 là 48 giấy phép. Và cũng chỉ tính riêng trong năm 2019, hàng loạt mạng xã hội được ra mắt, đi vào hoạt động, bất kể trước đó nhiều dự án đã thất bại do không thể cạnh tranh với Facebook. Có thể kể tên mạng xã hội Hahalolo ra mắt đầu tháng 6 với tham vọng thu hút 2 tỷ người dùng đến năm 2024. Song theo đánh giá của các chuyên gia, Hahalolo có tính năng sơ sài và dính nghi vấn huy động vốn theo hình thức đa cấp. Cho nên mục tiêu cả tỷ người dùng của nhà mạng chuyên về du lịch có lẽ cũng chỉ là bánh vẽ vì… không ai đánh thuế giấc mơ.

Cũng xuất hiện đình đám không kém là các mạng Gapo, Lotus…, song vẫn vướng lỗi kỹ thuật khi người dùng mới không thể truy cập, tạo tài khoản mới, hay đăng bài, chia sẻ thông tin. Trước đó, một số mạng lừng lẫy cũng phải chào thua, chuyển hướng hoạt động như Go.vn của VTC, Yume của VON chuyển thành trang tin tổng hợp, Zing Me của VNG chủ yếu dùng để làm kênh phân phối ứng dụng và game…

Rõ ràng, chúng ta không dễ thoát khỏi cái bóng khổng lồ của Facebook và Google. Để tạo dòng sản phẩm “made in Viet Nam” chỉ có cách đứng trên vai người khổng lồ về công nghệ để tạo đà rướn. Không gì là không thể nếu có quyết tâm. Và vì còn lạc hậu về kỹ thuật, bên cạnh “chống” với sự canh cửa của các cơ quan quản lý nhà nước thì nhiệm vụ “xây” là quan trọng nhất, phải làm ngay. Phải có vai trò chủ đạo của hệ thống truyền thông chính thống, phải tạo các ấn phẩm có nội dung trong sáng, mang tính giáo dục…

Còn nhiều điều cần “phải” làm khi chúng ta gạn đục, khơi trong, nhặt bỏ các mầm bệnh độc hại, nuôi dưỡng chồi non khỏe mạnh trong khu vườn “trăm hoa đua nở” như khu vườn mạng xã hội.

Tin cùng chuyên mục