Khuất tất việc tăng cước 3G

“Lách luật” tăng 40%
Khuất tất việc tăng cước 3G

Hôm nay, 16-10, cả 3 mạng di động VinaPhone, MobiFone và Viettel đều áp dụng mức cước mới cho dịch vụ 3G của mình.

Sử dụng điện thoại di động trên đảo Nam Du (Kiên Giang). Ảnh: THÁI BẰNG

Sử dụng điện thoại di động trên đảo Nam Du (Kiên Giang). Ảnh: THÁI BẰNG

“Lách luật” tăng 40%

Mặc dù Bộ TT-TT chỉ cho phép tăng tối đa là 20% so với giá hiện hành, nhưng có những gói cước cả 3 mạng này đều đồng loạt tăng tới 40%.

Theo lý giải của các nhà mạng, nếu xét riêng từng gói thì “vượt ngưỡng” quy định 20% của Bộ TT-TT, nhưng nếu xét tổng thể, thì giá cước 3G của các mạng cũng chỉ tăng gần 20% so với giá hiện hành. Tuy nhiên cách lý giải này không thuyết phục được người tiêu dùng. Bởi những gói cước mà cả 3 mạng đều tăng giá cao, đều là những gói cước phổ biến, có đông người sử dụng. Vì vậy, sự điều chỉnh này có tác động lớn đến thị trường, nhiều thuê bao, chứ không phải “chỉ một bộ phận nhỏ” theo cách nói của các nhà mạng. Tất cả các gói cước 3G mà 3 mạng này vừa điều chỉnh đều đã được Bộ TT-TT phê duyệt với mức tăng trung bình khoảng 20%. Điều đó đồng nghĩa, với việc những gói cước mà 3 mạng di động đã điều chỉnh tăng trên 20%, thậm chí là 40% đối với các gói như MiMax của Viettel, Max của Vinaphone và MIU của MobiFone là một hình thức “lách luật”.

Bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết, Bộ TT-TT không ủng hộ hoặc bắt doanh nghiệp viễn thông bán dịch vụ dưới giá thành mà phải bán đúng với giá thành. Vấn đề là cần có lộ trình và mức giá tăng phù hợp để người sử dụng chấp nhận được và không gây xáo trộn trên thị trường. Trong khi đó, Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho rằng, trong lĩnh vực viễn thông, lâu nay mọi người thường có tâm lý quen với chuyện giá cước đi xuống hoặc đi ngang. Nay mọi chi phí dịch vụ khác như điện, nước... đều tăng thì cước viễn thông cũng phải tăng hoặc giảm theo cơ chế thị trường giống các lĩnh vực dịch vụ khác. Người tiêu dùng cần quen dần với khái niệm tăng/giảm cước viễn thông, cước 3G là chuyện bình thường trong kinh doanh. Cơ quan quản lý không thể can thiệp vào việc tăng/giảm giá cước của doanh nghiệp, nhưng Bộ TT-TT sẽ quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, dịch vụ 3G theo hướng quản lý bằng giá trần. Nếu doanh nghiệp nào vi phạm thì sẽ xử lý.

Lợi nhuận “khủng”

* Thống kê của Bộ TT-TT cho biết, ở Việt Nam có hơn 16 triệu thuê bao 3G phát sinh lưu lượng sử dụng. Trong đó thuê bao sử dụng 3G trên máy điện thoại chiếm hơn 12,75 triệu. MobiFone chiếm 38,1% thị phần, Viettel 30,7%, VinaPhone 28,5% và phần còn lại của Vietnamobile. Đến thời điểm này, Vietnamobile là mạng di động duy nhất chưa báo cáo phương án điều chỉnh cước 3G. Hiện Vietnamobile mới chỉ cung cấp dịch vụ 3G tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cả 3 mạng di động đang chiếm thị phần khống chế cùng đồng loạt tăng cước một thời điểm, với mức tăng giống nhau là biểu hiện không bình thường. Có hay không việc các mạng “bắt tay” với nhau trong việc tăng cước 3G lần này, cho dù Bộ TT-TT đã cho phép tăng.

Lý do các mạng di động đưa ra rằng cước 3G hiện đang cung cấp cho khách hàng thấp hơn 50% so với giá thành dịch vụ và mạng 2G đang “bù lỗ” cho mạng 3G chưa thật thuyết phục. Ý kiến của một chuyên gia cho rằng trong một thời gian khá dài, cước dịch vụ di động ở Việt Nam cao hơn thế giới và khu vực khá nhiều, và đến nay, hạ tầng 2G của các mạng đều đã thu hồi vốn lâu, thậm chí là hàng năm các mạng đều có hàng ngàn đến hàng chục ngàn tỷ đồng lợi nhuận. Vì thế, việc bù lỗ cho mạng 3G không là một điều tất yếu. Nó giống việc chia sẻ lại những “thua thiệt” và trước đây người sử dụng di động Việt Nam đã gánh trả. Mặt khác, các mạng di động hiện nay vẫn đều đang có lợi nhuận khủng: MobiFone năm 2012 là 6.600 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; Viettel có lợi nhuận năm 2012 gần 25.000 tỷ đồng; còn VinaPhone dù nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2012 cũng đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận. Một vấn đề khác, khi các nhà mạng, hay Bộ TT-TT luôn đưa ra mức giá tham chiếu về sự chênh lệch giữa cước 3G ở Việt Nam với trên thế giới cũng như trong khu vực, nhưng lại không tính đến việc chênh lệch thu nhập, trình độ kinh tế của Việt Nam với các nước đó.

Cần tăng chất lượng

Tăng giá cước, chất lượng phải được đảm bảo. Bởi các nhà mạng đã mấy lần điều chỉnh giá cước 3G, nhưng chất lượng dịch vụ thì gần như chưa thấy chuyển biến rõ rệt. Tình trạng nghẽn, rớt sóng cũng như tốc độ chậm vẫn là điều thường xuyên xảy ra đối với các thuê bao 3G, kể cả dùng trên điện thoại hay qua USB 3G. Bản thân các nhà mạng đầu tư 3G hiện nay không phải hoàn toàn để cung cấp dịch vụ 3G mà tất cả đều “san tải” cho mạng 2G. Nếu không đầu tư mạng 3G, thì chắc chắn các mạng cũng phải đầu tư lớn cho 2G để giữ được và phát triển được lượng thuê bao như hiện nay. Điều đó đồng nghĩa, mạng 3G chất lượng hiện nay chưa thật tốt như kỳ vọng của nhiều người, nhưng nó đã góp phần giúp các mạng kinh doanh tốt, đảm bảo được hệ thống 2G của mình. Trong những khoản lợi nhuận “khủng” của các nhà mạng hàng năm, có sự đóng góp rất lớn của mạng 3G, chứ không hẳn là thua lỗ, bán dưới giá thành hoàn toàn như các nhà mạng vẫn kêu.

Phải tăng chất lượng

* Hiện nay nhà mạng tăng giá cước 3G nhưng lại không tăng đầu tư hạ tầng. Từ khi ra đời đến nay, hệ thống mạng 3G hay bất ổn, sóng chập chờn ngay cả tại khu vực nội thị. Cách tính dung lượng tải về cũng rất khó hiểu. Khi vượt quá mức dung lượng 600Mb thì tốc độ tải bị giảm xuống mức trung bình thấp, nhưng thực tế người sử dụng thường xuyên phải sử dụng với tốc độ thấp, thậm chí không vào mạng được vì mạng đã quá tải. Tăng phí nhưng chất lượng dịch vụ kém là không công bằng đối với khách hàng dẫn tới hệ quả khách hàng dùng mạng 3G ít hơn hoặc chuyển mạng khác. Như vậy, thay vì đạt được mục tiêu tăng cước phí, tăng doanh thu, ngược lại có thể nhà mạng bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng.

Bùi Bá Thanh Phương (Quận Tân Bình, TPHCM)

* Tốc độ đường truyền 3G chậm như rùa bò. Do đặc thù công việc, thường xuyên đi công tác xa nên tôi phải sử dụng DCom nhưng chất lượng quá tệ. Trong chuyến đi huyện đảo Cần Giờ (TPHCM) vừa qua, tôi đã phải xách laptop gắn Dcom chạy lòng vòng khắp nơi mới vô được mạng. Còn tới những huyện vùng sâu, vùng xa thì chỉ có nước… trèo lên cây cao may ra mới có mạng. Chất lượng thì hỡi ôi mà giá thì cứ tăng vù vù, liệu có hợp lý?.

Huỳnh Ngọc Ân (Quận 1 TPHCM)

* Người sử dụng 3G phản ứng không phải chỉ vì mức phí tăng cao. Vấn đề ở chỗ nhà mạng chưa thực sự chú ý, quan tâm tới nguyện vọng chính đáng của người tiêu dùng. Nhà mạng nên đặt mình vào vị thế khách hàng để có được cái nhìn toàn cục. Lợi ích của khách hàng phải được đặt lên hàng đầu, từ đó doanh thu tự đến”. Không ít ý kiến cho rằng, việc các nhà mạng đang chiếm lĩnh thị trường cùng thông đồng thỏa thuận nhau tăng giá cước 3G lần này chẳng khác nào chung tay chèn ép người tiêu dùng nhằm tăng lợi nhuận doanh nghiệp, bỏ mặc khách hàng. Đây là hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh và không phải là cách làm ăn lâu bền. Đừng quên rằng người tiêu dùng có thể sử dụng quyền lực mềm (như ngưng sử dụng mạng 3G, hạn chế sử dụng mạng 3G…) thay vì tiếp tục dùng dịch vụ chất lượng kém.

Các nhà cung cấp dịch vụ 3G cho rằng việc tăng cước lần này nhằm đầu tư mạng 3G, nâng cấp mạng lưới, cải thiện chất lượng đường truyền phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những lời hứa hẹn khó kiểm chứng, giống các đợt tăng giá trước đó. Bộ TT-TT đã xem xét kỹ chưa khi quyết định phê duyệt, cho phép nhà mạng tăng giá cước dịch vụ 3G? Cần có chế tài xử phạt cụ thể nếu nhà mạng không cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng cam kết.

Võ Văn Tư (Quận 10, TPHCM)

* Lập luận thường được đưa ra để tăng giá cước các dịch vụ là giá vẫn còn thấp so với thế giới. Đó là ngụy biện, bởi lương nhân công và các chi phí cho hoạt động dịch vụ ở Việt Nam không cao như ở các nước và mức sống của người dân đang rất thấp so với các nước. Trên thế giới đã có nhiều TP du lịch đầu tư mạng wifi miễn phí cung cấp cho cư dân và du khách. Ở nước ta, Hội An (Quảng Nam), Quảng Ninh cũng đầu tư wifi  miễn phí. Việc tăng cước 3G vô tội vạ là đi ngược lại với xu thế đó và sẽ góp phần đẩy nhanh việc 3G bị đào thải.

Nguyễn Minh Thanh (Quận 8, TPHCM)

TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục