Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa ngoại ngữ điện tử

Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa ngoại ngữ điện tử

(SGGP).- Bộ GD-ĐT vừa công bố kế hoạch triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020) trong giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa ngoại ngữ điện tử ảnh 1

Giờ học tiếng Anh tại Trường THCS Hồng Bàng (quận 5, TPHCM). Ảnh minh họa: KIM NGÂN

Theo đó, mục tiêu tổng quát là đến năm 2020, đại đa số học sinh phổ thông, người học trong các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp. Đến năm 2025, đại đa số thanh niên Việt Nam, cán bộ công chức, viên chức, nguồn nhân lực có đủ năng lực ngoại ngữ để sử dụng một cách độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập và làm việc.

Bà Nguyễn Thị Mai Hữu, Phó trưởng Thường trực Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 cho biết, đề án sẽ tập trung vào một số mục tiêu cụ thể như đến năm học 2020 - 2021, 100% học sinh lớp 3, 70% học sinh lớp 6 và 60% học sinh lớp 10 được học chương trình ngoại ngữ mới (10 năm). Đến năm 2025, phổ cập tiếng Anh trong trường phổ thông các cấp. Đến năm 2020, 60% học sinh trường trung cấp, 100% sinh viên trường cao đẳng và tới năm 2025 có 90% học sinh trường trung cấp đạt trình độ bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam và có thể sử dụng tiếng Anh trong làm việc. Đến năm 2018 - 2019, 100% các trường đại học triển khai  đào tạo chương trình tiếng Anh tăng cường; 100% sinh viên chuyên ngữ tốt nghiệp đạt chuẩn. Đến năm 2020, 70% sinh viên đại học không chuyên ngữ và đến năm 2025, 100% sinh viên đại học không chuyên ngữ đạt chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp... Phấn đấu vào năm 2020, 40% cán bộ, công chức, viên chức nói chung có trình độ ngoại ngữ bậc 2 và 20% có trình độ bậc 3, đến năm 2025, đạt tỷ lệ tương ứng là 60% và 40%; Tiếp tục triển khai dạy và học các ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh như ngoại ngữ 1 và triển khai thí điểm việc dạy và học ngoại ngữ 2 trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Để đạt tới mục tiêu này, giải pháp đầu tiên mà Ban quản lý đề án đưa ra là hoàn thành nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ các cấp học và trình độ đào tạo theo khung năng lực 6 bậc dùng cho Việt Nam. Triển khai dạy và học chương trình ngoại ngữ mới trong các cơ sở giáo dục phổ thông (thẩm định, ban hành chính thức chương trình ngoại ngữ phổ thông (10 năm), trước hết là tiếng Anh vào năm 2016); xây dựng và ban hành chương trình dạy và học một số ngoại ngữ khác (chủ yếu là ngoại ngữ 2) ngoài tiếng Anh trong trường phổ thông.  Đáng chú ý, Bộ GD-ĐT khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia biên soạn sách giáo khoa ngoại ngữ (sách in và sách điện tử) trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt, sử dụng thống nhất trong toàn quốc. Xây dựng hệ thống ngân hàng bài giảng điện tử để giáo viên và học sinh có thể tham khảo trong quá trình dạy và học. Lựa chọn, sử dụng một số sách giáo khoa, tài liệu dạy học ngoại ngữ của nuớc ngoài phù hợp với mục tiêu, yêu cầu dạy học ngoại ngữ ở các cấp học phổ thông. Triển khai áp dụng kiểm tra - đánh giá đầu ra ngoại ngữ (tiếng Anh) cho học sinh cuối các bậc học theo định dạng bài thi quy định.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục