Kích hoạt giáo viên sáng tạo

Không thể để học sinh TPHCM thụ động, tiếp nhận kiến thức một chiều, học vẹt và không có cơ hội rèn luyện các kỹ năng cần thiết của thế kỷ 21, ngành GD-ĐT TPHCM đã đi đầu và khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy. Dù mới kích hoạt trong thời gian ngắn nhưng chương trình “giáo viên dạy sáng tạo trên nền tảng CNTT” do Sở GD-ĐT TPHCM khởi xướng đã truyền cảm hứng đổi mới cho hàng trăm giáo viên ở các bậc học. Nhờ đổi mới cách tập huấn, trang bị công cụ hiện đại để ứng dụng vào giảng dạy, sau 2 ngày tham gia khóa học “Ứng dụng CNTT vào giảng dạy” hoặc “Dạy học theo dự án”, tất cả giáo viên đã được truyền lửa để làm mới tiết học của mình.

Với chi phí thấp (500.000 - 1.000.000 đồng/khóa học 2 ngày), Trung tâm Thông tin và chương trình giáo dục (Sở GD-ĐT TPHCM) cùng đội ngũ chuyên gia đạt giải Giáo viên toàn cầu của Microsoft ở TPHCM đã làm được điều kỳ diệu. Đó là tạo hiệu ứng đổi mới giáo dục và lan tỏa thành tựu ứng dụng công nghệ dạy học mới nhất, hay nhất, sáng tạo nhất vào học đường. Đổi mới giáo dục bắt đầu từ người thầy là như thế và khi họ tràn đầy đam mê, nhiệt huyết châm ngòi cho ý tưởng sáng tạo, nó sẽ kích thích học trò hào hứng, sáng tạo theo.

Khác với những lớp tập huấn nhàm chán và học xong không thể ứng dụng, chương trình “Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT” của TPHCM đã truyền lửa, thúc giục mỗi giáo viên phải làm gì đó để tạo sự hứng thú học tập, khám phá tri thức cho học trò. Chính phương pháp truyền thụ dễ tiếp thu về cách dạy học sáng tạo của các chuyên gia giáo dục toàn cầu đã thay đổi nhận thức, tư duy và khai phá sự sáng tạo tiềm ẩn của nhiều giáo viên. Hơn ai hết, họ nhận thấy yêu cầu cấp bách là phải tự làm mới bản thân để đổi mới cách dạy học, trang bị kiến thức lẫn kỹ năng mềm cho học sinh trước yêu cầu hội nhập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu.

Chỉ cần mỗi hiệu trưởng, mỗi giáo viên có động thái đổi mới tư duy, dám hành động vì học trò là các em đã được thụ hưởng tinh hoa của giáo dục hiện đại và trở nên tự tin, năng động.

Từ thực tế trên, xin Bộ GD-ĐT đừng thiết kế những dự án lớn lao hoặc những chương trình, nội dung tập huấn kéo dài nhưng kém hiệu quả như đã và đang làm. Trước yêu cầu đổi mới giáo dục, đặt ra yêu cầu chuẩn hóa giáo viên về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học… là cần thiết nhưng phải có chương trình, lộ trình phù hợp. Theo các chuyên gia giáo dục, nếu biết cách làm, bồi đắp đúng những gì mà giáo viên đang thiếu về kỹ năng, đang cần về kiến thức, lạc hậu về công nghệ… thì các lớp tập huấn, đào tạo sẽ mang lại hiệu quả cao. Nhìn lại rất nhiều chương trình, đề án nâng cao trình độ, chuẩn hóa giáo viên được đưa ra tốn tiền tỷ đến chục tỷ nhưng hiệu quả không tương xứng, thậm chí tham gia tập huấn dài ngày về CNTT nhưng nhiều giáo viên không biết ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Đổi mới bắt đầu từ người thầy, nhưng phải biết cách kích hoạt, khơi gợi tư duy sáng tạo của họ, chứ không thể áp đặt bằng mệnh lệnh, yêu cầu. Trong khi chờ cả đoàn tàu giáo dục đổi mới thì ngành GD-ĐT các địa phương hãy chủ động đầu tư cho người thầy để họ có cơ hội tiếp cận với công nghệ giáo dục tiên tiến và tạo ra những sản phẩm giáo dục hữu ích, giúp học sinh hứng thú học tập.

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục