Ở Việt Nam, tổng giá trị các gói kích thích tài khóa vào khoảng 180.000 tỷ đồng, bao gồm các giải pháp giãn, giảm thuế; ngoài ra còn có gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ giảm giá điện và hoãn đóng bảo hiểm xã hội... Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục giảm lãi suất điều hành và tích cực tháo gỡ đưa nguồn vốn vay lãi suất thấp hơn đến với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trên thực tế, các gói hỗ trợ này được giải ngân đến đâu?
Trả lời trên truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM cho biết, dịch bệnh đang khiến các ngành sản xuất trọng điểm của TP như cơ khí, điện, cao su, dệt may, da giày… trong tình trạng cạn kiệt nguồn lực. Đối với các gói hỗ trợ tín dụng, chỉ khoảng 20% DN tiếp cận được, nhưng thực tế không tác dụng nhiều, vì có giãn nợ, chậm nộp thuế vài tháng, sau đó vẫn phải nộp, phải trả. Còn gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng thì gần như 100% DN, người lao động không tiếp cận được vì điều kiện thủ tục rất rườm rà, rắc rối.
Tương tự, gói tín dụng 16.000 tỷ đồng - gói hỗ trợ vay với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương cho người lao động bị ngừng việc, sau 2 tháng triển khai chưa có DN nào được vay vì các điều kiện vay không DN nào đáp ứng được. Mới đây nhất, Thủ tướng đã đồng ý xem xét nới lỏng các điều kiện để DN có thể tiếp cận dễ dàng hơn.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 3,45% - thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (7,13%), cũng là mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây. Con số này cho thấy, dường như các nỗ lực của Chính phủ chưa thật sự đến được với cộng đồng DN. Vì sao lãi suất vay đã giảm vài điểm phần trăm so với trước dịch nhưng các DN không thể tận dụng để duy trì, mở rộng sản xuất? Ngoài các lý do khó tiếp cận nguồn vốn vì các điều kiện vay vẫn siết chặt, có một lý do khác đó là… thiếu đầu ra!
Nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng Đại học Quốc gia TPHCM (VNUHCM-IBT) về “Lựa chọn chính sách phục hồi kinh tế Việt Nam giai đoạn Covid-19” đánh giá: “Chính sách kích cầu hiện chỉ giúp giãn nợ, cơ cấu nợ chứ chưa làm tăng dòng tiền vào DN. Hệ quả sẽ có nhiều DN phải ngưng hoạt động, phá sản trước khi tiếp cận được vốn để cải thiện dòng tiền”.
Qua khảo sát, khá nhiều DN cho biết, lãi suất cho vay giảm khoảng 0,2 - 0,3 điểm phần trăm/năm, nhưng nếu việc kinh doanh không hiệu quả thì DN cũng không có nhu cầu vay thêm, trong khi khoản nợ cũ vẫn phải trả lãi. Xem ra mắc mứu lớn đang nằm ở chỗ… đầu ra!
Trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu, thị trường xuất khẩu khó khăn hơn, đơn hàng bị cắt giảm, hủy hoãn, nhiều thương hiệu lớn trên thế giới cũng là những đối tác đặt hàng lớn ở thị trường Việt Nam phá sản, các DN Việt chỉ còn trông chờ và chuyển hướng vào thị trường nội địa để cầm cự. Tuy nhiên, sức mua đang chựng lại. Khá nhiều ngành hàng đang báo động lượng tồn kho lớn. Nếu trong các tháng tới, sự phục hồi của “cầu” tiếp tục không theo kịp với “cung”, tồn kho trong nhiều ngành công nghiệp sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các DN.
Không ít ý kiến lo ngại, sức mua trong nước sẽ còn chựng lại vì mấy lý do: Khi dịch Covid-19 căng thẳng hơn trong thời gian gần đây, dẫn tới thực hiện lệnh giãn cách xã hội tại một số địa phương có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi của doanh số bán lẻ trong tháng 8, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành sẽ có mức sụt giảm lũy kế sâu hơn so với tháng 7; lãi suất điều hành liên tục giảm nhằm kéo giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN, nhưng mặt trái lại giảm lãi suất huy động đầu vào khiến túi tiền của người dân ít đi, tâm lý hạn chế chi tiêu càng nặng hơn. Vòng tuần hoàn của chu kỳ kinh tế: Sức mua - Nhu cầu sản xuất tiêu thụ hàng hóa - Phục hồi kinh tế, đang đặt ra bài toán mới cần những lời giải khác thiết thực hơn, cấp bách hơn trong giai đoạn hiện nay. Đó là cần những giải pháp kích hoạt sức mua thị trường nội địa giúp DN tồn tại và phát triển thay vì chỉ tập trung vào các giải pháp cho DN như hiện nay.
Có rất nhiều bài học đang được các nước châu Âu áp dụng để chặn đà suy giảm tăng trưởng. Tại Anh, để kích hoạt tiêu dùng nội địa, chính phủ đã mạnh tay giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 20% còn 5% đối với nhiều ngành dịch vụ như ăn uống, lưu trú, du lịch, vận chuyển… Một kích hoạt rất đáng học tập khác, đó là mạnh tay giảm thuế mua bán bất động sản. Những người dân mua căn nhà đầu tiên thuế chỉ còn 0%, người mua căn nhà thứ 2 giá trị dưới 500.000 bảng Anh, được giảm 50% thuế so với trước dịch. Đây là cách thu hút tiền nhàn rỗi trong dân không để đóng băng do lo ngại dịch bệnh, đồng thời giải quyết đầu ra cho thị trường bất động sản, thúc đẩy guồng quay kinh tế hoạt động trở lại, tác động liên hoàn đến ngành xây dựng, sản xuất; ngân hàng cũng gia tăng tín dụng nhờ cho vay mua nhà… Trở lại Việt Nam, đã đến lúc chúng ta cần chọn ra những điểm chính yếu để kích hoạt sức mua và thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong dân để phục hồi kinh tế.
Đây không phải là thời điểm để tăng giá điện, tăng giá nước, tăng thuế… đánh vào những kênh đầu tư quen thuộc của người dân. Chúng ta cần những chính sách mạnh tay về miễn giảm thuế để kích hoạt thị trường, dựa vào sức dân để hồi phục kinh tế, chặn đà suy giảm. Khi nhu cầu tăng, sức mua tăng, sẽ thúc đẩy sản xuất tăng trưởng, DN có đầu ra sẽ phục hồi và mở rộng sản xuất. Guồng quay tuần hoàn kinh tế sẽ chạy trở lại, kinh tế nội địa vững chắc, chúng ta mới đi xa hơn một cách bền vững.