Kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông

Từ ngày 16-9, khi có đủ dấu hiệu nhận diện theo quy định, shipper tại TPHCM được phép chạy liên quận huyện và TP Thủ Đức. Ngoài ra, các nhân viên giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng được phép hoạt động, nhưng phải có giấy đi đường do cơ quan có thẩm quyền cấp. Việc kiểm soát lưu thông vẫn thông qua giấy đi đường (trừ shipper) và mã QR được tải từ ứng dụng VNEID.

Phải khai báo y tế trước

Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, ngày đầu tiên TPHCM nới lỏng giãn cách ở một số “vùng xanh” và cho phép một số dịch vụ hoạt động trở lại, giao thông trên địa bàn thành phố nhộn nhịp hơn.

Tại các chốt kiểm soát, lực lượng chức năng vẫn thường trực, tập trung kiểm soát người đi đường khá chặt chẽ. Từ quận Bình Thạnh sang quận 7 có chốt kiểm soát yêu cầu xuất trình giấy đi đường, có nơi buộc quét mã QR mới được qua. Thậm chí có chốt yêu cầu xuất trình cả hai.

Vừa đến chốt kiểm soát ở chân cầu Tân Thuận (nối quận 4 qua quận 7), người dân đã nghe loa phát thanh: “Mọi người đến chốt phải trình báo mã QR khai báo y tế, giấy đi đường. Cá nhân nào khai báo y tế tại chốt sẽ bị xử phạt”.   

Thay đổi mới nhất là nhân viên giao nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) được chạy liên quận huyện và TP Thủ Đức từ 6 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Trong ngày đầu được giao hàng liên quận trở lại, nhiều shipper rất phấn khởi.

Kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông ảnh 1 Shipper đã được giao hàng liên quận. Ảnh: ĐOÀN HIỆP

Ông Nguyễn Văn Phương - shipper giao hàng xuống thị trấn Phú Xuân (huyện Nhà Bè), nói: “Mới ngày đầu được hoạt động trở lại nhưng chúng tôi có nhiều đơn giao hàng, thu nhập tăng, anh em shipper ai cũng mừng. Tôi chỉ hơi ngại việc xét nghiệm mẫu gộp. Chẳng may ai đó gộp với mình mà dương tính, lại xét nghiệm tiếp, cũng phiền”.

Chỉ quét mã QR từ app VNEID

Từ ngày 16-9, một lực lượng khác cũng được hoạt động là nhân viên giao nhận hàng hóa của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính viễn thông; thiết bị tin học văn phòng; thiết bị dụng cụ học tập; sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống bán trực tuyến…

Tuy nhiên, nhóm này chỉ được hoạt động trên địa bàn mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ quản có cơ sở, đăng ký kinh doanh, không hoạt động sang các quận, huyện khác. Đồng thời doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải đăng ký với UBND quận huyện, TP Thủ Đức, UBND phường xã, thị trấn để được cấp giấy đi đường cho nhân viên giao nhận.

Về việc kiểm tra người dân ra đường, Công an TPHCM cho biết sẽ căn cứ vào danh sách người lao động đủ điều kiện do cá nhân, tổ chức doanh nghiệp đăng ký thông qua các sở, ban ngành và UBND quận huyện, TP Thủ Đức để kiểm soát việc lưu thông. Lực lượng chức năng sẽ sử dụng các biện pháp và kiểm tra mã QR để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp không thuộc diện ra đường.

Do vậy, người dân ra đường cần khai báo, lấy mã QR trên ứng dụng VNEID để quét mã tại chốt kiểm soát. Công an TPHCM cũng kiểm tra song song giấy đi đường và quét mã QR. Những trường hợp đã cập nhật thông tin giấy đi đường vào mã QR (những giấy đi đường được cấp sau thời điểm VNEID được sử dụng - PV), lực lượng chức năng hạn chế kiểm tra giấy đi đường mà chỉ quan sát, kiểm tra giấy tờ tùy thân người đi đường.

Giải thích việc nhiều shipper đã đăng ký hoạt động vận chuyển hàng hóa nhưng không có thông tin tra cứu về họ trên website, Sở Công thương cho biết, căn cứ các quy định hiện hành, trong đó có Công văn số 2491/UBND-ĐT quy định chi tiết về các điều kiện hoạt động của shipper thì chỉ cho phép shipper đã được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vaccine Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh định kỳ (hàng ngày đối với vùng đỏ hoặc 2 ngày/lần đối với vùng xanh) âm tính được hoạt động. Do vậy, shipper có nhu cầu hoạt động sẽ thực hiện đăng ký với các doanh nghiệp cung cấp ứng dụng vận chuyển hàng hóa (doanh nghiệp quản lý shipper).

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục