Lâu nay, dư luận bức xúc vì hàng loạt các vụ xét xử đại án tham nhũng làm thất thoát hàng trăm, có khi là hàng ngàn tỷ đồng nhưng không thu hồi được tài sản hoặc chỉ thu hồi tượng trưng; một số cán bộ lãnh đạo khi được bổ nhiệm chức vụ cao hơn trong khi từng tham nhũng ở đơn vị cũ mà chưa có kết luận; không ít trường hợp cán bộ cấp cao nghỉ hưu mới phát hiện họ từng tham nhũng, tiêu cực nhưng cơ quan chức năng không thu hồi được tài sản hoặc xử lý cho qua chuyện; hay gần đây một số tỉnh, thành phố tuyên bố “không phát hiện được tham nhũng”… Việc phát hiện, xử lý tham nhũng như thế không chỉ gây nghi ngờ mà còn làm mất niềm tin trong nhân dân.
Tham nhũng tồn tại cùng quyền lực nhà nước và quyền lực chính trị. Nói cách khác, không có quyền lực thì không thể tham nhũng. Góc khuất của tham nhũng là một xã hội ngầm thu nhỏ mà ở đó tồn tại một thế giới quyền lực đen - có thể biến đen thành trắng, biến trắng thành đen. Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến yêu cầu, nhiệm vụ: “Phải tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực”. Đây rõ ràng là một trong những giải pháp quan trọng, cấp bách trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Trong thế giới ngầm của quyền lực có vô số thứ “bất thành văn” nên rất khó phát hiện. Nhiều người biết công ty này, dự án nọ là “sân sau” của vị này, vị kia nhưng họ không thể chứng minh hoặc có chứng cứ rõ ràng, nên cơ quan chức năng khó xử lý. Nhiều trường hợp biết rõ, nhưng không dám nói vì sợ bị trù dập do chưa có cơ chế bảo vệ người tố cáo. Ngược lại, có đơn vị biết nhưng “chùn tay”, không dám xử lý vì sự đan xen phức tạp của các mối quan hệ tưởng như bình thường, không có gì gọi là bất chính nhưng lại “dây mơ, rễ má” chằng chịt, cấu kết trên - dưới, trước - sau. Dư luận rất bức xúc hiện tượng một số chủ doanh nghiệp đang “có vấn đề”, nhưng thường xuyên xuất hiện công khai bên cán bộ cấp cao ở địa phương, ở trung ương kể cả cán bộ đó đang đi công vụ chỉ nhằm mục đích “đánh tiếng” cho người khác hiểu rằng họ là “người thân thuộc” của lãnh đạo. Chưa rõ thực hư thế nào, nhưng trong nhiều trường hợp, nó đánh đồng chuyện đúng - sai, trắng - đen, phải - trái.
Tham nhũng càng khó phát hiện khi bị “nhóm lợi ích” câu kết với nhau và chi phối bằng quyền lực. Qua các vụ đại án tham nhũng đưa ra xét xử, cho thấy thế giới ngầm của “nhóm lợi ích” có liên quan đến cán bộ có chức quyền, nhất là số cán bộ làm việc trong lĩnh vực cấp phép đầu tư, tài chính, ngân hàng, ngân sách, địa ốc…
Trong đề án nghiên cứu về các vụ tham nhũng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đúc kết, con đường thông qua thân nhân của cán bộ là con đường ngắn nhất, có hiệu quả cao để lôi kéo “một bộ phận không nhỏ” cán bộ có chức quyền ẩn mình vào guồng máy của thế giới quyền lực ngầm. Chả thế người ta thường bảo, ai đó chưa tròn vai “tu thân, tề gia” thì khó mà nói “trị quốc, bình thiên hạ” tốt được.
Trong các vụ đại án tham nhũng, những cán bộ có chức quyền sa ngã là do quyền lực thiếu tính ràng buộc, thiếu quy định trách nhiệm tương ứng. Quyền lực quá tập trung cũng làm cho “một bộ phận không nhỏ” cán bộ có khả năng vượt quyền, lạm quyền, khiến cho việc khắc phục hậu quả vô vàn khó khăn và tổn thất cũng vô cùng lớn. Quyền lực thiếu sự giám sát, chế độ quản lý ràng buộc từ trên xuống bị giảm sút, giám sát từ dưới lên chưa phát huy tác dụng, giám sát cùng cấp không chân thực là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng.
Thực tế chỉ ra bài học, thiếu kiểm soát quyền lực là nguyên nhân sâu xa làm cho tham nhũng phát triển. Chống tham nhũng phải bắt đầu từ gốc và làm từ trên xuống. Đặc biệt là ở cấp cao - đây là yếu tố quyết định thành công hay thất bại trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và đó cũng là bài học rút ra từ các vụ xét xử đại án tham nhũng trong thời gian qua.
TUẤN SƠN