Kiểm toán kiến nghị xử lý nhiều, sao thực hiện vẫn ít?

Trong 5 năm vừa qua, mỗi một năm còn tồn tại khoảng hơn 25% số kiến nghị của Kiểm toán đối với xử lý vấn đề tài chính chưa được thực hiện. Đồng thời, cũng theo báo cáo của Kiểm toán thì số văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung mới chỉ đạt được 136/786 văn bản.
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh: QUANG PHÚC

Thảo luận về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán Nhà nước tại phiên họp toàn thể của Quốc hội ngày 1-4, ĐB Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) ghi nhận, Kiểm toán Nhà nước đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ quan trọng của nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Tuy nhiên, ĐB quan tâm đến việc xử lý các kiến nghị của kiểm toán.

ĐB Nguyễn Trường Giang phân tích, theo quy định của Luật Kiểm toán thì báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính tới hơn 350.000 tỷ đồng, bằng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ thay thế 786 văn bản, bằng 2,18 lần nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, cũng theo báo cáo của Kiểm toán, số kiến nghị về tài chính hằng năm đạt bình quân khoảng 73,6%. Như vậy trong 5 năm vừa qua, mỗi một năm còn tồn tại khoảng hơn 25% số kiến nghị của Kiểm toán đối với xử lý vấn đề tài chính chưa được thực hiện. Đồng thời, cũng theo báo cáo của Kiểm toán thì số văn bản kiến nghị sửa đổi, bổ sung mới chỉ đạt được 136/786 văn bản. “Cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ tới”, ĐB Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.

Phân tích sâu thêm vấn đề này, ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói: “Qua 5 năm, Kiểm toán đã kiến nghị xử lý trên 350.000 tỷ đồng, tức là gấp 3,5 lần kiến nghị của giai đoạn 2011-2015. Trong khi chi tiêu ngân sách nhà nước của giai đoạn 2016-2021 thì chỉ gấp khoảng 1,4 lần so với giai đoạn 2011-2015. Số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra cũng tăng lên 45%, trong khi nhiệm kỳ vừa qua là thời kỳ kiểm soát chống tham nhũng rất tốt, cho nên chắc chắn số vi phạm không thể tăng lên nhưng số phát hiện qua kiểm toán lại tăng lên so với giai đoạn trước”.

Từ đó, ĐB Hoàng Văn Cường đánh giá rất cao “tính chất thẳng thắn, cương trực và bản lĩnh của Kiểm toán Nhà nước cũng như của Tổng Kiểm toán trong nhiệm kỳ vừa qua”.

Tuy nhiên, cũng như ĐB Trường Giang, ông Hoàng Văn Cường đặt câu hỏi: “Vì sao hiệu lực thực hiện của các kiến nghị kiểm toán còn thấp? Có phải là do chất lượng kiến nghị chưa đủ thuyết phục để các cơ quan phải thực hiện, hay vì hiệu lực thực thi không cao? Nếu như vì hiệu lực thì cơ quan kiểm toán cần phải có kiến nghị với Quốc hội để thực hiện đúng quy định của pháp luật”.

Kiểm toán kiến nghị xử lý nhiều, sao thực hiện vẫn ít? ảnh 1 Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1-4. Ảnh: QUANG PHÚC
Nhấn mạnh một số giải pháp cần thực hiện thời gian tới, ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị tăng cường sử dụng các tổ chức kiểm toán độc lập để tham gia vào quá trình kiểm toán. Bên cạnh đó, tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán. Theo ĐB, Luật Kiểm toán cũng đã cho phép kiểm toán được quyền truy cập, khai thác các dữ liệu điện tử, nếu làm tốt việc này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức.

Công khai kết luận kiểm toán là một đề xuất đáng lưu ý khác từ ĐB Hoàng Văn Cường. “Là đại biểu Quốc hội, chúng ta may mắn được tiếp cận tất cả những báo cáo kiểm toán tài chính hàng năm, nếu tham gia các đoàn giám sát thì chúng ta được tiếp cận các báo cáo kiểm toán chuyên ngành. Trên thực tế rất ít người có thể được tiếp cận các báo cáo kiểm toán này. Tôi nghĩ trong hội trường này các đại biểu Quốc hội cũng chưa chắc biết được báo cáo kiểm toán ở cơ quan mình như thế nào. Do vậy, chúng tôi đề nghị cần phải thực hiện tốt quy định về công khai các báo cáo kiểm toán”, ông Cường thẳng thắn bình luận.

Còn băn khoăn về chất lượng kiểm toán, ĐB Cường góp ý: “Để kiểm soát chất lượng kiểm toán, nên giao cụ thể cho một đơn vị, một cơ quan của Quốc hội mà cụ thể là giao cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách có trách nhiệm trong việc thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán”.

Không nên tăng cường thêm đội ngũ kiểm toán mà phải có một chính sách để khuyến khích những người làm việc trong ngành kiểm toán là kiến nghị đáng lưu ý cuối cùng của ông Hoàng Văn Cường. ĐB tính toán rất cụ thể, theo đó, nếu dùng 1% số tiền mà kiểm toán phát hiện, kiến nghị xử lý để chi cho kiểm toán thì như vậy tiền lương của đội ngũ kiểm toán hiện tại cũng lên tới gần 1 tỷ đồng/1 người/1 năm.

“Nếu chúng ta có một chính sách khuyến khích thỏa đáng như thế này thì những người làm kiểm toán sẽ không cần tham nhũng và kèm theo đó có kiểm toán độc lập để kiểm soát kiểm toán lại thì đó lại là cơ chế để họ không dám tham nhũng”, ông Cường nói.

Trong khi đó, ĐB Quách Thế Tản (Hoà Bình) thì đề nghị Kiểm toán Nhà nước tiếp tục tham gia giám sát vấn đề quản lý, sử dụng đất đai – lĩnh vực mà ông cho rằng vẫn còn nhiều thiếu sót, vi phạm.

Được mời giải trình làm rõ thêm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc giải thích, việc hủy bỏ, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có sai sót mà Kiểm toán Nhà nước (phần lớn là các văn bản quy phạm pháp luật) thuộc trách nhiệm của các ngành và chính quyền các cấp theo đúng quy trình sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, cho nên thời gian thực hiện chưa đạt được như kiến nghị.

Kiểm toán kiến nghị xử lý nhiều, sao thực hiện vẫn ít? ảnh 2 Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUANG PHÚC
Về xử lý tài chính, chủ yếu bao gồm tăng thu hoặc giảm chi, ông Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tích cực kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện, song đây cũng là việc phụ thuộc vào nhiều cơ quan khác, chứ không phải riêng Kiểm toán. “Đối với các ngành thanh tra, kiểm tra cũng thế. Thanh tra cũng thực hiện ở mức khoảng từ 70 đến 75% thôi”.

Tin cùng chuyên mục